PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam đã nhấn mạnh những thông tin này khi chia sẻ về những tiến bộ y khoa trong chăm sóc bệnh nhi tại Hội nghị khoa học Bệnh viện Nhi Trung ương 2024 diễn ra từ ngày 12-13/7 nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Bệnh viện.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia hàng đầu về nhi khoa trong nước và quốc tế tham dự. Sự kiện được tổ chức nhằm kết nối cộng đồng các nhà khoa học, bác sĩ nhi khoa trong và ngoài nước để cùng nhau chia sẻ, cập nhật những thành tựu, tiến bộ trong điều trị, nghiên cứu, phát triển kỹ thuật cao, giúp hỗ trợ tốt nhất cho công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Nhiều báo cáo khoa học có giá trị được các chuyên gia nhi khoa trong và ngoài nước chia sẻ tại hội nghị về các chủ đề lớn như: Ứng dụng nhưng tiến bộ khoa học, công nghệ tại Bệnh viện Nhi Trung ương; Thấp còi trẻ em, sàng lọc và can thiệp; y học phát triển, sức khỏe tâm thần; Rối loạn tự kỷ ở trẻ vị thành niên, cơ hội và thách thức; Tự tử ở trẻ vị thành niên, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa; phòng ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn ở trẻ em - vai trò không thể thiếu của vaccine...
"Đây là những chủ đề thiết thực xuất phát từ thực tiễn thăm khám, điều trị bệnh nhi tại các bệnh viện hiện nay"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Sớm tiếp cận và làm chủ nhiều lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật ngang tầm khu vực và quốc tế
Là cơ sở nhi khoa đứng đầu cả nước, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận thăm khám khoảng từ 4.000 - 6.000 bệnh nhân, có thời điểm còn lên đến 7.000 - 8.000 bệnh nhân/ngày; điều trị nội trú thường xuyên điều trị nội trú khoảng trên 2.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã khám, chữa bệnh an toàn, chất lượng, chuyên sâu cho gần 1,2 triệu lượt bệnh nhi ngoại trú và hơn 120 ngàn lượt bệnh nhi nội trú, các hoạt động quản lý bám sát tình hình thực tế và sự biến đổi của mô hình bệnh tật.
"Những năm qua, chúng tôi đã triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nhi, cứu sống nhiều em nhỏ"- PGS.TS Trần Minh Điển nói và cho biết chất lượng chuyên môn của bệnh viện tiếp tục nhận được sự tin tưởng của người bệnh trên khắp cả nước…
Đặc biệt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã sớm tiếp cận và làm chủ nhiều lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật ngang tầm khu vực và quốc tế trong khám, chữa bệnh cho trẻ em như: phẫu thuật tim hở, phẫu thuật động kinh, can thiệp tim mạch điều trị các bệnh tim bẩm sinh phức tạp, lọc máu, phát hiện sớm và điều trị các rối loạn chuyển hóa, liệu pháp gen điều trị các bất thường di truyền, đặc biệt ghép tạng trẻ em: ghép gan, ghép tủy xương, ghép thận, ghép tế bào gốc...
"Riêng trong năm 2023, bệnh viện triển khai 59 kỹ thuật mới, bao gồm 14 phẫu thuật, 22 kỹ thuật cận lâm sàng, 3 kỹ thuật điện quang can thiệp, 5 kỹ thuật gây mê/gây tê, 4 kỹ thuật y học cổ truyền, 11 kỹ thuật/thủ thuật mới khác, ghép gan cho 17 trường hợp, ghép thận cho 9 trường hợp; ghép tế bào gốc cho 27 trường hợp, can thiệp ECMO cho 125 trường hợp…
Nhiều kỹ thuật tại bệnh viện nhi như phẫu thuật tim hở, điều trị động kinh, ghép gan, thận... đạt chỉ số tương đương các nước trên thế giới"- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết thêm.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phù hợp với sự thay đổi của mô hình bệnh tật nhi
Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Trần Minh Điển thông tin qua công tác khám chữa bệnh, các bác sĩ nhận thấy có sự thay đổi của mô hình bệnh tật. Một số bệnh truyền nhiễm vẫn đang tồn tại, một số tác nhân đang có xu hướng khó kiểm soát hết toàn bộ. Bệnh không lây nhiễm như bệnh lý mãn tính, bẩm sinh, di truyền có xu hướng gia tăng tương tự các nước phát triển, cần đặc biệt chú ý.
Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 (cũng của TPHCM) đang trao đổi những kỹ thuật khoa học, nhằm góp phần hỗ trợ cho công tác khám chữa bệnh trẻ em tốt hơn.
"Chúng tôi đang quan tâm nghiên cứu khoa học, thực trạng sức khỏe trẻ em Việt Nam. Chúng ta phải bắt kịp câu hỏi nghiên cứu xem bệnh nào chưa can thiệp được, chưa làm được hết như y văn thế giới. Từ đó, chúng tôi có được nghiên cứu phù hợp mô hình bệnh tật"- ông Điển nói và cho biết thêm: Với đặt hàng của đơn vị liên quan đến nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm trên quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng là địa chỉ tin cậy để triển khai thử nghiệm lâm sàng.
"Bộ Y tế cũng như các tổ chức nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đều đánh giá cao chúng tôi. Tới đây, chúng tôi tích cực thúc đẩy hơn nữa các nhà khoa học tạo sản phẩm có giá trị khoa học và thực tiễn, áp dụng khám chữa bệnh trong hệ thống nhi của toàn quốc" - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, sau 24 năm, kể từ khi GS Nguyễn Thu Nhạn có đề tài nghiên cứu đánh giá thực trạng trẻ em Việt Nam và mô hình bệnh tật (năm 2000), đến nay, vẫn chưa có một đề tài kế tiếp, trong khi mô hình bệnh tật đã có rất nhiều thay đổi.
"Do đó Việt Nam đang cần một đánh giá tổng thể mới nhất, trong đó phải đánh giá cả 3 tiêu chí về sức khỏe, bao gồm: Về sức khỏe thể chất, cần nghiên cứu được mô hình các bệnh tật, bệnh mãn tính, cấp tính; Về sức khỏe tinh thần, cần có đánh giá tổng quan về tinh thần của trẻ em trước những tác động của thế giới mạng để có điều chỉnh phù hợp; Về xã hội, nghiên cứu này cần đánh giá về điều kiện, môi trường sống, về sự quan tâm y tế, giáo dục cho trẻ em để phát huy quyền trẻ em trong tình hình mới"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.
Ngoài ra, các hệ thống các bệnh viện trên toàn quốc cần có những khảo sát, thống kê để tìm ra mô hình bệnh tật, từ đó, xác định quy trình kỹ thuật, áp dụng trong công tác khám chữa bệnh nhằm mục tiêu duy nhất là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.
Hiện thực hóa việc này, trong năm vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã có 7 đề tài cấp Bộ, tập trung vào 2 nhóm thực trạng.
Đầu tiên, là các đề tài nghiên cứu nhóm bệnh lý lây nhiễm và bệnh lý cấp tính trong hồi sức, giải quyết các vấn đề về cấp cứu, hồi sức. Từ nghiên cứu này, các chuyên gia sẽ xây dựng quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho các tuyến, giảm tải tình trạng bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hai là, bệnh viện cũng đẩy sâu nghiên cứu nhóm bệnh chuyên sâu như Enzym, trị liệu, điều trị ung thư u nguyên bào thần kinh để có được tỷ lệ sống và tỷ lệ sống ở trẻ chất lượng cao hơn.
"Chúng tôi mong Bộ Y tế phê duyệt cho đề tài và có kinh phí thực hiện đề tài"- PGS.TS Trần Minh Điển nói.