Hà Nội

Cao Bằng: Đẩy mạnh các hoạt động cải thiện vệ sinh và nước sạch nông thôn

19-04-2019 09:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cao Bằng là 1 trong 21 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Chương trình được thực hiện từ năm 2016 – 2020, nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Cao Bằng là 1 trong 21 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Chương trình được thực hiện từ năm 2016 – 2020, nhằm cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Cụ thể, sẽ thực hiện đấu nối cấp nước được 12.500 đấu nối; 35 xã đạt “vệ sinh toàn xã”; 5.000 hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 46 trạm y tế xã, 46 trường học được xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa các công trình vệ sinh, cấp nước, các thiết bị rửa tay, xử lý nước sạch…

Truyền thông vận động cộng đồng về vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà tiêu hợp vệ sinh

Truyền thông là hoạt động quan trọng nhất của chương trình nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn dân về lợi ích và tầm quan trọng của việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay bằng xà phòng để phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe, sử dụng và bảo quản công trình vệ sinh và cải thiện môi trường sống, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, nhà vệ sinh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đúng quy cách có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tập trung, năng suất lao động, là nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn và nhiễm các loại giun, sán đường ruột. Bên cạnh đó, việc rửa tay thường xuyên với xà phòng là một biện pháp vệ sinh phòng bệnh hiệu quả, đơn giản và rẻ tiền. Rửa tay với xà phòng thường xuyên giúp phòng, chống bệnh tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, tiêu chảy… đây là một hành động thiết thực phòng tránh dịch bệnh cho cả cộng đồng.

Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban điều hành Chương trình MTQGNS & VSMTNT tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức cho mỗi người dân, mỗi gia đình, địa phương; phối hợp với các địa phương thống nhất chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả từ nguồn lực của các chương trình để phong trào toàn dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và rửa tay với xà phòng sẽ ngày càng phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của người dân, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống hằng  ngày.

Mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh ở thôn bản

Triển khai các mô hình truyền thông

Cao Bằng đã triển khai nhiều mô hình truyền thông của Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch để nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn, tiêu biểu là mô hình vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ trong đó có hoạt động vẽ bản đồ vệ sinh thôn bản. Bản đồ vệ sinh thôn bản sẽ thể hiện rõ tình trạng vệ sinh của từng hộ: có nhà tiêu cải thiện, có nhà tiêu không hợp vệ sinh, hoặc chưa có nhà tiêu.

Theo đó, mỗi thôn sẽ xây dựng bản đồ vệ sinh của thôn và cập nhật sự thay đổi tình hình vệ sinh thôn hàng tháng. Bản đồ thôn sẽ được tuyên truyền viên sử dụng trong các buổi họp thôn chuyên về vệ sinh, trong các buổi họp lồng ghép và được treo ở nhà văn hóa thôn.

Trong các cuộc họp thôn chuyên đề về vệ sinh, sẽ có cán bộ y tế thôn bản cùng với trưởng thôn điều hành. Mỗi thôn sẽ tổ chức 2 cuộc họp thôn chuyên về vệ sinh/năm. Ngoài ra, tại các thôn bản kết hợp nội dung vệ sinh trong các cuộc họp thôn thông thường. Các cuộc họp thường kỳ trong thôn sẽ đưa thêm các nội dung về vệ sinh vào trong chương trình cuộc họp, để cung cấp các thông tin cập nhật về các vấn đề vệ sinh và tình trạng vệ sinh trong thôn.

Bằng nhiều giải pháp thực hiện tăng cường vệ sinh và nước sạch nông thôn, trong năm 2018, 100% hộ dân trong 17 xã “Vệ sinh toàn xã” (10.609 hộ) được tuyên truyền, vận động xây và sử dụng nhà tiêu cải thiện, thông qua cung cấp thông tin về các loại nhà tiêu cải thiện, cũng như cách sử dụng và bảo quản nhà tiêu đúng quy cách.

Qui định về nhà tiêu hợp vệ sinh

Theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc ban hành định mức và qui định thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà tiêu, chuồng gia súc hợp sinh thuộc chương trình mục tiêu qốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thì qui định về nhà tiêu hợp vệ sinh (qui mô hộ gia đình) được qui định như sau:Diện tích xây dựng tối thiểu 2,4 m2; sàn phải sạch sẽ, không bị nứt, sụt lún; phải có mái che, có tường hoặc vách bao; phải có hố chứa phân, chứa chất thải, có nắp kín, có ống thông hơi, không làm bốc mùi hôi thối ra ngoài môi trường…

 


Xuân Thủy
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn