Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh "ngăn" nhiều dịch bệnh đường tiêu hóa cho trẻ dưới 5 tuổi

19-11-2017 21:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh giúp phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, bệnh tay chân miệng, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi

 

Ngày 19/11, Hà Nội, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Quỹ Unilever Việt Nam tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày Nhà vệ sinh Thế giới 19/11 và tổng kết các hoạt động “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” giúp cải thiện điều kiện vệ sinh và nâng cao sức khỏe cho người dân thông qua các mô hình truyền thông và giáo dục về vệ sinh và sức khỏe bền vững.

Các em nhỏ cùng biểu diễn văn nghệ hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới

Buổi mít tinh có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các tổ chức quốc tế và hơn 1.000 hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam.

Ngày 19/11 hàng năm đã được Liên Hiệp Quốc lấy làm Ngày nhà vệ sinh thế giới nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng, bảo quản nhà vệ sinh sạch sẽ, an toàn, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe. Chủ đề năm nay là “Nhà vệ sinh và nước thải”.

PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, bệnh tay chân miệng, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi. Các bệnh, dịch này vẫn đang lưu hành một phần là do chưa làm tốt công tác xử lý phân người, cụ thể là sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt việc đi tiêu bừa bãi.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh việc xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như xử lý an toàn nước thải, bùn thải từ các nhà vệ sinh.

“Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2013, tại khu vực đô thị 94% người dân có nhà vệ sinh trong đó 90% sử dụng bể tự hoại làm công trình xử lý tại chỗ. Chỉ có khoảng 10% lượng nước thải và 4% lượng phân bùn từ các bể tự hoại này được xử lý, còn lại hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước”- PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo

Do vậy, bên cạnh việc tuyên truyền về sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh cần phải có các giải pháp tăng cường xử lý đối với nước thải, chất thải nói chung và bùn thải tự hoại nói riêng nhằm giảm phát thải nguồn gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bà Madhu Raghunath, đại diện Ngân hàng thế giới, Trưởng nhóm Chương trình phát triển bền vững cũng đã nhấn mạnh tại lễ mit tinh: Nhà vệ sinh là rất cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của nhiều dịch bệnh đường tiêu hóa. Tại Việt Nam, điều kiện vệ sinh không được đảm bảo gây ra chi phí lớn cho quốc gia và cộng đồng về mặt kinh tế cũng như về sức khoẻ và phát triển của con người. Ước tính thiệt hại do kém vệ sinh gây ra cho Việt Nam vào khoảng 1,3% GDP mỗi năm. Chi phí này tương đương với gần một nửa của chi tiêu nhà nước cho y tế hàng năm ở Việt Nam (2,79% GDP trong năm 2009, Ngân hàng Thế giới).

Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cùng các đơn vị liên quan cùng tham gia hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới

Tại buổi mít tinh, Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết các cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp sẽ tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tích cực tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lồng ghép với rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền tới nhiều hộ gia đình, các hội viên hội phụ nữ và mọi người dân, giúp nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân về vệ sinh môi trường, thực hành bàn tay sạch, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Thông tin tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh Thế giới cũng cho biết, từ năm 2012 đến nay, Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn đã xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hơn 604 nhà vệ sinh trong cam kết 800 nhà vệ sinh đến năm 2018; Chương trình giúp nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho 2,1 triệu người dân và hơn 100.000 em học sinh học sinh tiểu học.

 

 

Một số thông tin về thực trạng vệ sinh tại Việt Nam:

Theo báo cáo của Chương trình MTQG Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn năm 2012, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng 57%.

Theo con số thống kê từ Unicef, hiện nay vẫn còn khoảng 10 triệu hộ dân cư với hơn 12 triệu trẻ em sinh sống (chiếm 45% trẻ em trên cả nước) vẫn còn đang trong tình trạng vật chất thiếu thốn, không có nhà vệ sinh hợp chuẩn (Census, 2009).

Hằng năm trên thế giới, cứ mỗi giây lại có 1 trẻ em tử vong do mắc phải những căn bệnh bắt nguồn từ điều kiện vệ sinh yếu kém. (UN, 2013).

Tiêu chảy là 1 trong 5 nguyên nhân đứng đầu gây tử vong tại trẻ em do vi khuẩn E.coli phát tán từ nhà vệ sinh bẩn (Unicef, 2014)

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn