Cần tăng liều "thuốc trị bệnh chống đối" lực lượng phòng chống dịch

30-08-2021 16:43 | Pháp luật
google news

SKĐS - Hành vi chống đối, lăng mạ, tấn công người thi hành công vụ để "thông chốt", trốn cách ly là điều không thể chấp nhận. Nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét đây là việc chống lại xã hội, coi thường pháp luật chứ không đơn thuần là không tuân thủ yêu cầu của lực lượng chức năng.

Hà Nội: Bị yêu cầu khai báo y tế, người đàn ông cầm dao đuổi chém Chỉ huy trưởng quân sự xã Hà Nội: Bị yêu cầu khai báo y tế, người đàn ông cầm dao đuổi chém Chỉ huy trưởng quân sự xã

SKĐS - Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh số 1 (xã Chu Minh – huyện Ba Vì), đối tượng Trần Đình Giang không chấp hành khai báo y tế, lăng mạ và cầm dao đuổi chém lực lượng làm nhiệm vụ.

Liên tiếp trong thời gian qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ việc một số cá nhân hung hãn tấn công, chống đối, lăng mạ lực lượng chức năng đang thực thi công vụ để "thông chốt" kiểm soát dịch hoặc không chấp hành biệp pháp cách ly.

Đánh, chửi bới, thậm chí cởi quần áo,… để chống đối

Mới đây, Công an huyện Diễn Châu, Nghệ An, cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà H.T.H (SN 1973, trú xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu), để điều tra, làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo đó, bà H. có tiếp xúc với một người dương tính với SARS-CoV-2 nên người phụ nữ này là F1. Theo quy định, bà H. phải đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, bà H. không đi mà vẫn ở nhà sinh hoạt bình thường. Chính quyền và cán bộ y tế đã đến nhà giải thích suốt nhiều giờ đồng hồ nhưng bà H. vẫn không chấp hành. Không chỉ đóng cửa ngồi trong nhà, bà H. còn có hành vi chửi bới, lăng mạ, cởi quần áo để chống đối. Cơ quan chức năng đã phải cưỡng chế, đưa bà H. đi cách ly tập trung.

Trước đó, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối với Phạm Thanh T. (SN 1994, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Trung úy Hồ Việt Anh khống chế đối tượng cố tình chống đối để "thông chốt"

Trung úy Hồ Việt Anh khống chế đối tượng cố tình chống đối để "thông chốt".

Theo thông tin ban đầu, tại chốt kiểm dịch số 2 trên địa bàn huyện Gia Lâm, khi phát hiện T. không đeo khẩu trang đi bộ một mình từ bên trong thôn Giao Tất A ra chốt kiểm dịch và xin đi qua nhưng không có lý do chính đáng, tổ công tác yêu cầu T. đeo khẩu trang và quay về nhà.

Tuy nhiên đối tượng này không những không chấp hành, vẫn cố tình đi qua chốt mà còn chửi bới, thách thức. Khi bị Trung uý Hồ Việt Anh dùng điện thoại ghi lại sự việc, T. đã bất ngờ đánh đồng chí Việt Anh xây xước, bầm đỏ, sưng phù ở vị trí vùng đầu sau tai trái. Công an xã Kim Sơn đã lập biên bản, bắt giữ T. về hành vi chống người thi hành công vụ, tiếp tục củng cố hồ sơ đưa đối tượng ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Những người có hành vi chống đối cần được tiêm "vaccine ý thức"

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tâm lý tội phạm học cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những hành vi chống đối lực lượng làm công tác phòng chống dịch là do ý nhận thức của nhiều người còn hạn chế, bên cạnh đó ý thức trách nhiệm với cộng đồng thấp. Thứ hai là sự coi thường pháp luật. Đây là hành động sai trái, vi phạm quy định về phòng chống dịch, ẩn chứa nhiều nguy cơ làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm.

Ý thức của người dân chính là lá chắn trong công tác phòng chống dịch. Các lực lượng làm công tác phòng chống dịch chỉ làm yếu tố kiểm soát để tăng cường cho tấm lá chắn cộng đồng đó. Nhưng vì một số lý do mà nhiều người đã bất chấp, bỏ qua những quy tắc tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, điều này sẽ là lỗ hổng khiến cho tấm lá chắn đó bị suy giảm tác dụng. Họ cần được tiêm "vaccine ý thức".

Về góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, những sự việc trên diễn ra ngày càng nhiều trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đang phải căng mình chống dịch khiến nhiều người dân bức xúc, thậm chí phẫn nộ. 

Hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để "thông chốt" là điều không thể chấp nhận được, cần bị xem xét là việc chống lại xã hội, coi thường pháp luật chứ không đơn thuần là không tuân thủ yêu cầu của lực lượng chức năng.

Thời gian qua, hầu hết các đối tượng đã bị xử phạt hành chính song dường như chế tài xử lý còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, để ngăn chặn triệt để hiện tượng trên, cơ quan chức năng cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn như thu giữ phương tiện, truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng vi phạm.

Theo đó, mọi hành vi tấn công bằng vũ lực đối với các thành viên tổ công tác phòng chống dịch, phá hoại tài sản hoặc trang thiết bị tại các chốt kiểm soát cần phải bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 - BLHS 2015 với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí bị phạt tù từ 2-7 năm (tùy theo tính chất, hậu quả của hành vi).

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể xử lý đối tượng vi phạm về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 - BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này là hành động vì cộng đồng. Các đối tượng có hành vi chống đối cần phải bị xử lý nghiêm để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đồng Nai test nhanh hơn 1,3 triệu lượt, hơn 2.500 mẫu dương tính.


H. Phong
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn