Tin giả, trang tin giả lan tràn
"Ca sĩ Phi Nhung trở nặng được con gái nuôi thuê chuyên cơ chở về Mỹ chữa bệnh COVID-19"; "Phi Nhung đã chết"; "Cuộc gọi hỏi về tiêm phòng và lừa tiền"; những tin giả gây hoang mang và bức xúc trong dư luận cứ ngày một hoành hành mạnh mẽ.
Bên cạnh tình trạng những thông tin giả mạo (fake news) tràn lan trên mạng xã hội từ fanpage cá nhân, không ít trang fanpage đã "khoác áo" của cả những đơn vị hành chính, quản lý của Nhà nước.
Như fanpage trên facebook có tên gọi "Ban Tuyên giáo Trung ương" giả mạo là fanpage của Ban Tuyên giáo Trung ương, cung cấp nhiều thông tin không đáng tin cậy. Trang fanpage "Cảnh Sát Hình Sự" giả mạo kênh thông tin của Bộ Công an. Trước đó là tràn lan các "bản sao" giả mạo tài khoản Đài Truyền hình Việt Nam. Và gần đây hàng chục trang fanpage trên Facebook giả mạo là trang tin chính thống của chính quyền thành phố Hà Nội.
Những trang thông tin mạo danh này liên tục đăng tải thông tin không chính thống, chưa kiểm chứng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh của các đơn vị bị giả mạo.
Đáng chú ý, những trang giả mạo này lại thu hút một lượng theo dõi, like trang không nhỏ, có những trang đã lên tới cả triệu lượt "độc giả". Nhiều nhóm, hội có tên "Hà Nội" trên Facebook có nhiều lượt tương tác, nhiều nhóm có từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu lượt tương tác (người like, share).
Hệ luỵ lớn đến từ việc người đọc tin đã chia sẻ những thông tin trên các trang giả mạo, đó thường là những tin giật gân, câu view đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm chao đảo cả xã hội, bôi xấu cá nhân, tai nạn thảm khốc…, khiến không ít người chỉ "nghe kể" cảm thấy lo lắng, hoang mang, thậm chí hành động mù quáng.
Đây là một thực trạng đáng báo động, khiến các nhà chức trách, cơ quan thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Cần kỹ năng phân biệt
Những trang mạng, nhóm facebook có sử dụng tên "Hà Nội", "Hà Nội News".... thậm chí sử dụng hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng thủ đô Hà Nội đã được quy định tại Luật thủ đô.
Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định đây không phải trang thông tin chính thống trên mạng xã hội của TP Hà Nội. Đề nghị người dân không chia sẻ, lan tỏa thông tin từ các trang mạng xã hội nói trên. Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định.
Trước mắt, "có 12 nhóm, fanpage với sử dụng tên như "Hà Nội", "TP Hà Nội", "Hà Nội News", "Hà Nội 24H News"…; sử dụng hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám" sẽ bị xử lý, Sở TT&TT TP Hà Nội thông tin.
Dù hành lang pháp lý đã được hoàn thiện hơn, cơ quan chức năng truy quét thường xuyên, thậm chí có cả những Trung tâm xử lý tin giả, tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn cả là người dân cần nâng cao nhận thức trước một bể tin giả, trang tin mạo danh trên không gian mạng.
Cụ thể, người dân nên kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.
Đồng thời, với các bài viết kèm đường link, người dân nên kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin, nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .it, .tk, .info, .su), không có đuôi tên miền Việt Nam ".vn". Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia ".vn" và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang.
Đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh), cũng là một trong những dấu hiệu về uy tín của trang.
Xem thêm video đang được quan tâm
Thông điệp 5T - Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội