Cuộc gặp gỡ bất ngờ và tiếc nuối của thầy thuốc Thái Nguyên trên đất biển Vũng Tàu

06-09-2021 20:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Cuộc gặp gỡ “xa xứ” của những đồng nghiệp Bệnh viện C Thái Nguyên trong vai trò “bệnh nhân COVID-19 – thầy thuốc”, giữa tình cảnh ngặt nghèo của dịch bệnh COVID-19, để lại cho người trong cuộc bao cảm xúc từ lo lắng, đến mừng vui khôn tả vì người bệnh thoát cơn nguy kịch.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ

Ngày 23/8, vào ngày thứ 12 đội ngũ thầy thuốc của BV C Thái Nguyên trực chiến tại Bệnh viện COVID Vũng Tàu,  BSCKI. Đinh Công Luyện - Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức - nhận được thông báo từ Trưởng khoa, BSCKII. Lê Thị Thanh Bình: "Các em tìm và điều trị cho cô H.T.P.L, hiện là bệnh nhân COVID-19 nặng và đang điều trị tại nơi đoàn mình hỗ trợ".

Chị P.L nguyên là cán bộ của Khoa GMHS - BV C Thái Nguyên, đã nghỉ hưu theo chế độ và chuyển vào TP Vũng Tàu sống cùng gia đình hơn 10 năm nay. 

Ngay sau khi nhận được thông tin, bác sĩ Luyện đã nhờ những cán bộ y tế ở đó tra danh sách để tìm cô với mong muốn trực tiếp điều trị cho người đồng nghiệp cũ.  

Bác sĩ Luyện kể: "Đây là khu bệnh viện mới hoàn toàn, cao 12 tầng. Chúng tôi trực chiến ở ICU tầng 2 và các tầng tách biệt nhau. Phải mất khá nhiều thời gian chúng tôi mới tìm được cô L. nằm ở tầng 9".

Đồng nghiệp cũ cả thập kỷ mới gặp nhau đáng ra phải vui lắm, ít nhất cũng phải có cái ôm, nụ cười. Nhưng thay vào đó, anh chị em chỉ nhìn nhau qua những lớp kính bảo hộ và kính của mặt nạ thở.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ và “tiếc nuối” của thầy thuốc Thái Nguyên trên đất biển Vũng Tàu - Ảnh 1.

Cuộc gặp gỡ trong hoàn cảnh éo le của những đồng nghiệp - thầy thuốc Thái Nguyên tại Vũng Tàu

Lúc đó, chị L. vẫn đang phải thở oxy hỗ trợ, lại mắc thêm bệnh tiểu đường nên bệnh có lúc chuyển biến nặng lên, rất khó thở. Chị L. được chính các đồng nghiệp đưa xuống tầng 2 để điều trị ICU tích cực, thở máy không xâm nhập.

Trong quãng thời gian điều trị, chị Lê Thị Mùi, anh  Hoàng Quốc Tuấn (đều ở khoa GMHS BV C Thái Nguyên) ngoài việc nhờ các đồng nghiệp chăm sóc, còn đôn đáo tranh thủ giúp chị L. vệ sinh, giặt giũ, chăm chút từng lúc ăn uống… Đặc thù của bệnh nhân COVID-19 khiến người thân không thể trực tiếp chăm sóc, lúc này những đồng nghiệp cũ đã trở thành "người nhà" lo lắng cho từng ngày của chị L.

"Rất may sau khoảng 1 tuần thì tình trạng chị L. đã tiến triển tốt, sức khoẻ hồi phục dần dần. Không phải đặt nội khí quản như dự liệu ban đầu. Nhờ chế độ ăn uống, vệ sinh, thuốc men, và các đồng nghiệp cũ cũng rất chú ý theo sát diễn tiến bệnh. Bây giờ chị L. đã được đưa về phòng điều trị nhẹ hơn. Chúng tôi đã cảm thấy rất vui" – bác sĩ Luyện chia sẻ.

Chỉ đến lúc đó, các đồng nghiệp mới có dịp "mừng mừng tủi tủi" mà nhận nhau kỹ càng hơn. Biết tin, bác sĩ Lê Thị Thanh Bình, trưởng khoa GMHS BV C Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp ở BV cũng vô cùng vui và xúc động.  

"Tiếc nuối"

Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đinh Công Luyện cho biết, đợt này tỉnh Thái Nguyên chi viện 30 y, bác sĩ, điều dưỡng vào Nam chống dịch. Đội của BV C Thái Nguyên có 9 y, bác sĩ, thay nhau trực tại BV COVID Vũng Tàu từ ngày 11/8.

"Đây là bệnh viện mới rất khang trang của tỉnh, đang chuẩn bị đưa vào hoạt động thì dịch ập tới, nên chuyển thành bệnh viện chuyên trị COVID-19. Mọi người quen gọi là BV COVID-19 Vũng Tàu. Tại đây cũng có nhiều đội ngũ y, bác sĩ miền Bắc hỗ trợ như đội Yên Bái, Quảng Ninh…" – bác sĩ Luyện nói.

Vốn được xây dựng như một cơ sở y tế mới của tỉnh, nên BV COVID Vũng Tàu được trang thiết bị phục vụ ICU, hệ thống oxy, máy móc khá đầy đủ, là nơi tập trung gần 300 bệnh nhân nặng, trong đó khoảng 25 bệnh nhân cực nặng phải thở máy.  

Nỗi "sợ hãi" của các y, bác sĩ, cũng như bệnh nhân tại đây không phải "con virus" mà là cái nóng. Ban đầu BV không mở điều hoà vì sợ "con virus không thoát được ra ngoài". Các y, bác sĩ lại mặc bộ quần áo bảo hộ, với 40 – 50 con người cả thầy thuốc, bệnh nhân trong một căn phòng. Cái nóng bức bủa vây khiến tất cả đều vô cùng mệt mỏi, xuống sức chỉ sau vài giờ làm việc. Rất may sau đó mọi người nhận ra đây là bệnh viện mới, và các phòng đều là phòng áp lực âm, nên có thể mở điều hoà thoải mái. Lúc đó mọi người đều cảm thấy dễ chịu hơn nhiều, tinh thần bệnh nhân cũng cao hơn đáng kể.

Tuy vậy, theo bác sĩ Luyện các anh em ở đây chỉ chia ca 4 tiếng, bởi công việc ở những khoa hồi sức ICU là vô cùng vất và. Y, bác sĩ phải theo sát diễn tiến người bệnh không ngừng nghỉ, chưa kể có những ca bệnh nặng phải xử trí rất nhanh và chung tay của nhiều y, bác sĩ cùng lúc.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ và “tiếc nuối” của thầy thuốc Thái Nguyên trên đất biển Vũng Tàu - Ảnh 3.

Các y, bác sĩ Thái Nguyên tại BV COVID-19 Vũng Tàu đang giành giật sự sống cho hàng chục ca bệnh rất nặng

Đội ngũ cán bộ y, bác sĩ ăn ở, sinh hoạt luôn tại bệnh viện nhưng trong tình hình dịch bệnh không ai đòi hỏi gì hơn. "Chúng tôi có một phòng, anh em người ngủ giường gấp, người ngủ luôn tại sofa, trên tinh thần là "dã chiến", dần cũng quen rồi anh ạ" – bác sĩ Luyện nói với giọng chân tình.

Câu chuyện về những thầy thuốc đồng nghiệp BV C Thái Nguyên trên mảnh đất biển phía Nam là vậy, con virus oái oăm khiến mọi người phải chia ly, khiến những điều đơn giản trở thành xa xỉ. Các y, bác sĩ ấy đã rất tiếc nuối rằng họ không phải gặp nhau và vui đùa trên bãi biển Vũng Tàu cuộn sóng, mà là trong căn phòng với những chằng chịt máy móc, dây dợ. 

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội


Minh Thu
Ý kiến của bạn