Cách nào phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả?

29-07-2024 06:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu về sách giáo khoa và đồ dùng học tập tăng cao. Thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ tiêu thụ sách giáo khoa giả bị bắt giữ đã gây hoang mang cho người mua sách.

Triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hậu Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ gần 80.000 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tổng số lượng sách giáo khoa phát hiện là 1.210 thùng. Qua 2 ngày kiểm đếm, phân loại số lượng, chủng loại, đoàn kiểm tra ghi nhận 79.103 quyển sách giáo khoa các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Tổng trị giá được tính theo giá ghi trên sách giáo khoa là 1.375.413.000 đồng.

Cách nào phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả?- Ảnh 1.

Phát hiện gần 80.000 quyển sách giáo khoa giả mạo bao bì, nhãn hàng hóa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Trước đó, Phòng cảnh sát kinh tế công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2.000 đầu sách giả.

Vào giữa tháng 6, Công an TP. Đà Nẵng khám phá thành công chuyên án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả đặc biệt lớn liên tỉnh tại Đà Nẵng và TP. HCM thu giữ 1 triệu con tem và 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm trị giá khoảng 12 tỷ đồng.

Cách nhận biết sách giáo khoa thật - giả

Ông Nguyễn Chí Bính - Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: "Một bộ phận người tiêu dùng ý thức chưa cao vẫn muốn mua những cuốn sách giá rẻ do được chiết khấu cao. Việc này vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.

Sách giáo khoa là sản phẩm đặc thù. Hiện hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả chưa được xử lý nghiêm. Chúng tôi nghĩ nên có chế tài đặc biệt theo hướng không xử lý hành chính mà nên xử lý hình sự".

Theo ông Nguyễn Chí Bính, nếu không may mua phải sách giả, sách lậu thì rất nguy hiểm. "Sách giả, sách lậu được in mờ, thiếu nét, thiếu chữ, làm sai lệch nội dung, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tin tức của học sinh và ảnh hưởng đến thị lực của học sinh.

Hành vi buôn bán sách giả, sách lậu là vi phạm nghiêm trọng đến bản quyền của các nhà xuất bản, của tác giả, làm thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, thất thu ngân sách nhà nước và làm rối loạn thị trường cũng như nhiều hệ luỵ khác".

Để nhận biết sách thật - giả, bà Phạm Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cho biết, phía dưới lớp cào ở mỗi cuốn sách sẽ có mã để học sinh truy cập vào dữ liệu điện tử, sử dụng sách điện tử. Nếu như là sách giả thì sẽ không cào ra được dãy mã số.

Nhiều cuốn sách in lậu sẽ không đảm bảo đầy đủ nội dung, chất lượng hình minh họa để tiết kiệm chi phí in ấn. Sách in lậu được bán ra với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí có nơi bán sách lậu ngang với giá niêm yết trên bìa của sách thật. Sách in lậu thường bị cắt xén, có khổ sách nhỏ hơn sách thật, đóng gáy cẩu thả, gáy sách mỏng dễ bị bong rời các trang, thiếu trang.

Để cắt giảm tối đa chi phí in ấn, nhiều đơn vị làm sách lậu thường chỉ scan/photo, đánh máy lại nội dung từ trong sách thật mà không qua các khâu kiểm duyệt rồi in đại trà dẫn đến phần chữ bị vỡ, nét đậm nhưng không sắc, đôi lúc bị đứt. Phần hình ảnh không rõ ràng, bị nhòe, màu sắc không đồng đều.

Cách nào phân biệt sách giáo khoa thật với sách giả?- Ảnh 2.

Mã tem chống giả được in hàng loạt, không truy cập được vào hệ thống học liệu số.

Nhằm giúp phụ huynh và học sinh nhận biết thêm về sách giáo khoa thật hay giả, ông Nguyễn Phong Yên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam cho biết, sách giả, sách in lậu thường có màu sắc không được tự nhiên, ám đen, khó xem vì sử dụng mực in kém chất lượng. Nội dung trên sách bị mờ, mực in không đều, chỗ đậm chỗ nhạt.

Với sách thật, hình ảnh trong sách đều sắc nét. Nếu đặt cạnh sách thật, dễ dàng nhận thấy, các hình ảnh trong sách giả không đẹp, chất lượng kém và có phần tối hơn do sách giả, sách in lậu thường scan, photo lại từ sách thật nên đối chiếu màu sắc, tính sắc sảo của chữ in, hình ảnh trên trang giấy là cách đơn giản nhất để người tiêu dùng có thể phân biệt.

Ngoài ra, với mục đích tiết kiệm chi phí, sách giả, sách in lậu thường sử dụng loại giấy không phù hợp dùng trong in ấn, làm giảm giá trị của thành phẩm.

Sách giả, sách in lậu sử dụng sách thật để sao chép hoặc scan lại, một số chỗ được đánh máy lại phần chữ dẫn tới nội dung trong sách bị xô lệch, sai sót. Đặc biệt đối với các hình ảnh đặc thù như bản đồ,… sách giả thường lược bỏ nhiều thông tin hoặc tỉ lệ thể hiện không chính xác dẫn đến việc tiếp thu kiến thức bị sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh. Đây cũng là một trong những lí do quan trọng để người tiêu dùng nên nói KHÔNG với sách giả, sách kém chất lượng.

Sách giả, sách in lậu còn sản xuất tem giả đi kèm khiến khách hàng và người tiêu dùng tin tưởng và an tâm khi mua hàng. Mã thẻ cào của sách giả thường sao chép từ mã sách thật. Khi kích hoạt sẽ bị báo mã không đúng hoặc đã qua sử dụng.

Để tránh mua phải sách in lậu, thầy cô, phụ huynh và học sinh nên lựa chọn các đơn vị phát hành sách giáo dục thuộc hệ thống nhà xuất bản, các cửa hàng sách uy tín.

Giá sách giáo khoa năm học mới giảm giá hơn 11%Giá sách giáo khoa năm học mới giảm giá hơn 11%

SKĐS - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa thông tin chính thức về giá sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2024-2025.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn