Trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường: "Đây là tin vui với người làm giáo dục"

04-01-2024 14:27 | Xã hội

SKĐS - Theo giáo viên và chuyên gia giáo dục, việc trao trả lại quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường là hợp lý và phù hợp với thực tế giảng dạy.

Quy trình chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục

Theo thông tư mới của Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông, từ năm 2024, SGK sẽ là do từng trường quyết định. Cụ thể, hội đồng lựa chọn SGK của các trường do hiệu trưởng thành lập. Mỗi trường là một hội đồng. Hội đồng này sẽ bao gồm: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.

Căn cứ vào kế hoạch của hội đồng lựa chọn SGK và tiêu chí lựa chọn SGK, các tổ trưởng tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn SGK của môn học đó. Giáo viên hợp đồng, biệt phái, thỉnh giảng, dạy liên trường đều được tham gia. Chậm nhất 20 ngày trước phiên họp đầu tiên, tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các SGK, viết phiếu nhận xét, đánh giá theo các tiêu chí đề ra. Trong phiên họp, các giáo viên sẽ bỏ phiếu lựa chọn 1 SGK duy nhất cho mỗi môn học. SGK được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu.

Từ kết quả lựa chọn của các tổ chuyên môn, hội đồng của nhà trường họp thảo luận, thẩm định. Sau đó nhà trường lập hồ sơ lựa chọn SGK gửi về Phòng GD&ĐT (đối với cấp tiểu học và cấp THCS) hoặc Sở GD&ĐT (đối với cấp THPT). Ở bước thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn SGK, Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, sau đó tổng hợp kết quả, lập danh mục SGK trình UBND cấp tỉnh. Cuối cùng, UBND cấp tỉnh đưa ra quyết định phê duyệt danh mục SGK do các cơ sở giáo dục lựa chọn.

Giáo viên đồng tình, ủng hộ

Việc trao lại quyền lựa chọn, quyết định SGK cho các nhà trường từ năm học 2024-2025 được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng dạy, học SGK mới. Năm học trước, quyền quyết định SGK để giảng dạy là do hội đồng cấp tỉnh phê duyệt.

Chia sẻ với PV báo Sức khoẻ và Đời sống, cô Mai Hà - giáo viên một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, đây là một tin vui với những người làm giáo dục. Việc trao quyền chọn lựa chọn SGK về cho các nhà trường và đội ngũ giáo viên là chủ trương đúng đắn, tín hiệu đáng mừng bởi chính giáo viên là người trực tiếp giảng dạy học sinh, họ cũng là những người sát nhất với chương trình, với học sinh nên khi nghiên cứu, lựa chọn và đưa ra quyết định sẽ biết lựa chọn nào là thuận lợi và phù hợp nhất cho quá trình dạy học.

Trao quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường: "Đây là tin vui với người làm giáo dục"- Ảnh 1.

Học sinh trong một buổi hội thảo giới thiệu các bộ sách giáo khoa mới.

Theo cô Hà, hội đồng lựa chọn SGK gồm nhà trường, giáo viên, đại diện cha mẹ học sinh… là người hiểu và nắm rõ được điểm mạnh, yếu của học sinh từ đó sẽ có sự lựa chọn được bộ sách phù hợp cho học sinh, với con em phụ huynh tại nơi đó. "Việc thầy cô giáo được chủ động lựa chọn SGK, đó không chỉ là tôn trọng vai trò của người thầy, mà còn khơi dậy sức sáng tạo trong giáo dục phổ thông. Đặc biệt, SGK được chọn sẽ phù hợp với đặc thù của học sinh từng địa phương trong bối cảnh hiện nay nhiều bộ SGK đang được lưu hành cùng lúc".

Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, việc giao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên, nhà trường là phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đánh giá cao sự điều chỉnh này của Bộ GD&ĐT.

Theo thầy Bình, mỗi nhà trường có đặc thù riêng và không ai hiểu học sinh bằng giáo viên. Vì vậy, các thầy cô tùy theo năng lực, trình độ của học sinh sẽ có lựa chọn sách phù hợp với khả năng tiếp thu của các em cũng như với điều kiện thực tiễn nhà trường. Bên cạnh đó, việc giao quyền chọn sách cho các trường cũng là cách nâng trách nhiệm của cơ sở đào tạo. Các nhà trường phải có sự chủ động, linh hoạt, bản lĩnh trong việc lựa chọn học liệu chứ không nên trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên.

Làm sao để minh bạch, khách quan?

Khi trao trả quyền lựa chọn SGK về các trường thì làm sao để hội đồng lựa chọn SGK công tâm, bài bản, minh bạch, vì người học?

Về vấn đề này, cô Hà cho rằng, từng giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình, làm việc một cách nghiêm túc, không qua loa. Đồng thời, cần có quy chế chặt chẽ để người đứng đầu cơ sở giáo dục không thể can thiệp và thao túng vào quyết định lựa chọn SGK của giáo viên.

"Để minh bạch, khách quan, nhà trường cũng nên tham khảo ý kiến của các em học sinh - những người đang sử dụng sách mới biết rõ công dụng, hiểu được những điều cần và chưa cần của sách. Và cũng cần chuyển tới phụ huynh tham khảo các tiêu chí này để có thể cùng tham gia với nhà trường, nhận xét ưu khuyết điểm của từng bộ SGK".

Trong trường hợp cấp cao hơn muốn thay đổi sự lựa chọn của nhà trường thì cần phải có thêm quy định về việc giải trình - PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo Dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết. "Cấp cao hơn nhà trường, phòng giáo dục, sở giáo dục khi mà đề xuất lên cấp UBND tỉnh, nếu mà thay đổi quy định của nhà trường thì phải có yêu cầu, quy định tường minh, chặt chẽ, làm sao thay đổi lý do ra sao. Như vậy tham gia quyền lựa chọn của nhà trường thực chất hơn".

Với băn khoăn có thể xảy ra tiêu cực giữa nhà trường và các nhà xuất bản trong việc lựa chọn SGK, TS. Lê Thống Nhất - chuyên gia giáo dục cho rằng, khi ban hành thông tư mới thì điều quan trọng đó là Bộ GD&ĐT cũng phải quản lý.

Chuyên gia giáo dục cho biết thêm, việc đưa đại diện ban cha mẹ học sinh vào hội đồng lựa chọn SGK thì thực ra phụ huynh cũng không có trình độ chuyên môn để tham gia ý kiến chuyên môn trong vấn đề lựa chọn SGK nhưng có vấn đề rất quan trong đó là họ được chứng kiến trực tiếp bởi vì họ trong hội đồng. "Về mặt dân chủ, đại diện ban cha mẹ học sinh được tham gia và họ chính là người giám sát. Như vậy, vai trò giám sát của đại diện ban cha mẹ học sinh trong hội đồng lựa chọn theo tôi cũng ngăn chặn bớt tiêu cực".

Trao trả quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trườngTrao trả quyền chọn sách giáo khoa cho nhà trường

SKĐS - Việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa sẽ được trao lại cho các trường thay vì UBND cấp tỉnh như hiện nay.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn