Mới đây, khi đang ngồi ăn sáng, ông Phan Văn Thông (59 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) đột nhiên có biểu hiện nói khó, yếu liệt một bên mặt, tê bì, mất cảm giác, hai chân và tay không thể cử động được... Nhận thấy điều không ổn, người nhà đã đưa ông đi cấp cứu tại BV Hữu nghị và may mắn ông được can thiệp vào đúng "thời điểm vàng" nên đã hồi phục nhanh chóng.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân Thông đã ổn định sức khoẻ, có thể trở lại cuộc sống. "Đầu óc tôi giờ đã bình thường, nói chuyện được, nói không bị ngắn lưỡi nữa, không còn cảm giác tê bì, sức khoẻ tốt hơn rất nhiều"- bệnh nhân chia sẻ.
Theo BS. Nguyễn Quang Phương – Khoa Hồi sức tích cực, Chống độc, BV Hữu nghị, trường hợp bệnh nhân Thông được chẩn đoán nhồi máu não cấp và chỉ định áp dụng biện pháp tiêu sợi huyết. Rất may, do được cấp cứu kịp thời, tính mạng bệnh nhân đã được bảo toàn, chức năng sống gần như phục hồi hoàn toàn.
Cũng theo BS. Phương, điều quan trọng nhất trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là cần đưa bệnh nhân đến BV càng sớm càng tốt. Biểu hiện đột quỵ não thông thường là người dân đang sinh hoạt bình thường thì đột ngột thấy choáng váng, đau đầu, nói ngọng, liệt mặt một bên, yếu vận động chân tay... Do đó, người dân cần hết sức chú ý.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ.
Được biết, thời gian gần đây, BV Hữu nghị thường xuyên cấp cứu cho các bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp như vậy. Một trường hợp điển hình khác là cụ bà 74 tuổi, có tiền sử bệnh rối loạn tiền đình, đau đầu. Trước đó, gia đình nhận thấy ý thức của bệnh nhân bắt đầu chậm và dần đi vào hôn mê. Bệnh nhân được chuyển tới viện trong tình trạng mất ý thức, hôn mê, suy hô hấp.
Ngay lập tức bệnh nhân được đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy, kết quả chụp CT sọ não cho thấy hình ảnh xuất huyết do vỡ phình mạch. Cụ bà đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và tiến hành can thiệp nút phình mạch. Sau quá trình điều trị đến nay ý thức bệnh nhân đã dần hồi phục gần như hoàn toàn, rút ống nội khí quản. Sắp tới, bệnh nhân sẽ được tập phục hồi chức năng để quay lại cuộc sống bình thường.
Hạn chế tổn thương, giảm di chứng sau đột quỵ
Theo các bác sĩ, với tổn thương não, đặc biệt là tổn thương về mặt thần kinh trung ương nếu không được can thiệp kịp thời, đúng phương pháp sẽ khiến các khối máu tụ ở trong não tăng lên, các mạch máu tắc nhiều hơn sau đó dẫn đến những di chứng như: liệt hoàn toàn một bên, nói khó, mất ý thức, bệnh nhân nằm liệt giường, sinh hoạt một chỗ, nặng hơn nữa là bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Thông thường để cấp cứu cho bệnh nhân như vậy, bác sĩ sẽ dùng 2 phương pháp chính đó là tiêu sợi huyết và can thiệp hút huyết khối qua động mạch. Đây là các phương pháp tiên tiến đã được áp dụng tại BV Hữu nghị giúp giảm di chứng cho bệnh nhân, rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
Đặc biệt, với những phương pháp mới như hiện nay, bệnh nhân khi mắc các vấn đề về đột quỵ não sẽ có thời gian phục hồi nhanh hơn, thậm chí có thể khỏi hoàn toàn, đưa bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường.
"Một số trường hợp, do hút huyết khối kém chúng tôi sẽ dùng tới kỹ thuật tiêu sợi huyết, và ngược lại nếu tiêu sợi huyết không đáp ứng được với bệnh nhân chúng tôi sẽ dùng hút huyết khối. Việc dùng cả 2 phương pháp song song sẽ mang lại hiệu quả hơn. Điều khó khăn nhất trong việc cấp cứu các bệnh nhân đột quỵ là do vấn đề tuổi tác, người bệnh hầu hết đều ở độ tuổi khá cao, song tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người mà các bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị phù hợp” - BS. Nguyễn Quang Phương cho hay.
TS. Nguyễn Thế Anh cùng các bác sĩ hội chẩn ca bệnh đột quỵ bằng hệ thống ứng dụng công nghệ không phim. Hình ảnh được chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến để các bác sĩ hội chẩn.
TS. Nguyễn Thế Anh – Phó Giám đốc BV Hữu nghị, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của BV nhận định, đột quỵ là căn bệnh ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước có tỉ lệ dân số là người cao tuổi đông. BV Hữu nghị có đặc thù là điều trị cho nhiều bệnh nhân cao tuổi, có không ít các trường hợp bệnh nhân đột quỵ khi đang trong quá trình điều trị bệnh tại BV.
Do đó, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, TS. Thế Anh cho biết, BV đã triển khai nhiều kỹ thuật điều trị đột quỵ mới và đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại (như máy chụp cắt lớp 256 dãy, hệ thống chụp cộng hưởng từ…) giúp chẩn đoán nhanh và chính xác tổn thương, từ đó đưa ra những đánh giá kịp thời và có hướng điều trị đúng, đạt kết quả tốt.
BV cũng đã có các đội chống đột quỵ bao gồm các bác sĩ hồi sức cấp cứu, thần kinh... thường xuyên túc trực cấp cứu bệnh nhân đột quỵ; đồng thời hội chẩn các ca khó, các ca báo động đỏ để cứu sống người bệnh. Đã có rất nhiều bệnh nhân đột quỵ nguy kịch được cứu sống tại BV Hữu nghị, nâng cao chất lượng sống và đem đến sự hài lòng cho người bệnh.
Do vậy, thay vì tìm cách chữa trị người nhà nên đưa bệnh nhân tới viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu, tránh bỏ lỡ "giờ vàng" trong phẫu thuật.
Để phòng bệnh đột quỵ, người dân cần kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, tim mạch... để hạn chế nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá...
Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị mà cần đưa đi cấp cứu ngay giảm tỉ lệ tử vong và tàn phế.