Bệnh nhân là cháu Nguyễn M.Đ, 17 tuổi, ở Phú Xuyên – Hà Nội. Theo lời kể của gia đình, khi đi học về, Đ. cảm thấy đau đầu nên gia đình đã cho uống một viên thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Tiếp đó, gia đình có cho con đi tiêm một mũi thuốc (không nhớ là thuốc gì), tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng, bệnh nhân hôn mê sâu hơn, đại tiểu tiện không tự chủ. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp trong vòng 30 phút.
ThS.BS Vũ Thanh Bình - Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh nhân Đ. được chuyển đến khoa trong tình trạng Glasgow 3 điểm, thở ngáy, SpO2 95%, huyết áp: 220/120 mmHg, mạch 60 lần/phút.
Bệnh nhân được các bác sĩ xử trí đảm bảo hô hấp bằng cách đặt nội khí quản, đảm bảo tuần hoàn, hạ huyết áp. Sau đó, bệnh nhân được chụp CT; trên phim chụp CT có hình ảnh xuất huyết não, não thất diện rộng.
Tiên lượng bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục xử trí.
Phòng ngừa xuất huyết não
Từ trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi này, để hạn chế tối đa các biến chứng nặng, nguy hiểm cho người bệnh và phát hiện sớm được bệnh, BS. Vũ Ngọc Linh - khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp khuyến cáo: Người dân khi có đau đầu bất thường, thường xuyên người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, không tự ý dùng thuốc, tự ý điều trị.
Trong cuộc sống nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc; Ăn nhạt, giảm muối mắm; Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; Uống nhiều nước lọc, nước trái cây...
Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
Cũng theo các bác sĩ, việc cơ thể bị nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Do đó, cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Ngoài ra, hút thuốc là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.
Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Các biểu hiện kinh điển là khởi phát đột ngột những tổn thương thần kinh tiến triển trong vài phút đến vài giờ kèm theo đau đầu, nôn ói, giảm ý thức và có thể kèm tăng huyết áp.
Xuất huyết não có tỷ lệ tử vong trong tháng đầu tiên ước tính khoảng 35 - 52%, hơn một nửa các trường hợp xuất huyết não tử vong trong hai ngày đầu. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở các nước có thu nhập trung bình và thấp. Các bệnh nhân sống sót phải chịu di chứng lâu dài, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và xã hội.