Những ai đã bị đột quỵ 1 lần nên làm cách này để tránh tái phát

04-09-2019 17:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đột quỵ có tái phát không và phải làm sao để phòng ngừa tái phát? - Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Theo các bác sĩ, tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có 1 bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát.

BS. Vũ Ngọc Linh - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, đột qụy (còn được gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể. Thời gian kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều.

Đáng lo ngại là thời gian gần đây, tình trạng "trẻ hóa" bệnh nhân đột quỵ có xu hướng ngày càng gia tăng. Mới đây, BVĐK Nông nghiệp đã cấp cứu trường hợp thiếu niên mới 17 tuổi đã đột quỵ chảy máu não nguy kịch.

Chú ý dấu hiệu F.A.S.T

Theo BS. Linh, người dân cần nhớ ít nhất 1 trong 3 nhóm dấu hiệu sau, xuất hiện đột ngột thì nguy cơ bị đột quỵ từ 90 - 95%, đó là dấu hiệu F.A.S.T

Liệt mặt (Face): Miệng bị lệch sang một bên, nếp nhăn mũi-má mờ

Yếu, liệt tay (Arm) hoặc chân: Không thể cầm, nắm, đi lại

Rối loạn ngôn ngữ (Speech): Đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.

Thời điểm phát bệnh (Time): Khi gặp những triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu ngay. Người bệnh cần ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.

BS. Linh cũng cảnh báo, bệnh đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể bị tê liệt hoặc yếu, thường là ở một bên cơ thể, bao gồm cả mặt và miệng. Bệnh nhân có thể bị khó nuốt hoặc bị bỏ mặc một bên (lờ hoặc quên mất phần cơ thể bị ảnh hưởng).

Vấn đề thị giác, bệnh nhân có thể không tập trung nhìn được, có thể có điểm mù hoặc có vấn đề với tầm nhìn ngoại vi.

Khó khăn trong giao tiếp, mất ngôn ngữ là khái niệm được dùng để mô tả tập hợp sự thiếu hụt về giao tiếp, bao gồm gặp vấn đề khi nói, hiểu, đọc và viết.

Rối loạn cảm xúc, biểu hiện không kiểm soát, không lý giải được của hành động khóc, tức giận hoặc cười. Trầm cảm, lo âu (đặc biệt là về khả năng gặp một cơn đột quỵ khác) và trầm cảm.

Phòng đột quỵ tái phát thế nào?

Theo BS. Linh, tỷ lệ tái phát đột quỵ trong 5 năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 4 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ sẽ có 1 bệnh nhân từng đột quỵ bị tái phát. Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ điển hình phải kể đến cholesterol cao và thừa cân: Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến tắc những mạch này. Thừa cân làm quá tải toàn bộ hệ tuần hoàn và mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp.

Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Khói thuốc làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp.

Sử dụng rượu nhiều (đặc biệt là uống quá độ); cocain và methamphetamin; tăng lượng hồng cầu; thuốc tránh thai và liệu pháp thay thế hormon với estrogen.

Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần tiếp theo, nhất là trong vòng vài tháng đầu. Ảnh minh họa.

Do đó, để phòng ngừa căn bệnh này tái phát, BS. Linh khuyến cáo, bệnh nhân từng bị đột quỵ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc; Ăn nhạt, giảm muối mắm; Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường; Uống nhiều nước lọc, nước trái cây...

Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Do đó, cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.

Hút thuốc là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc lá trong vòng từ 2 - 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Làm gì khi người thân có dấu hiệu đột quỵ?
- Đỡ người thân để họ không bị té ngã là điều cần làm đầu tiên khi sơ cứu người bị đột quỵ
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo thì cần để bệnh nhân nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
- Nếu bệnh nhân hôn mê: xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở, tim mạch còn nghe hay bắt được hay không để có thể hỗ trợ tuần hoàn hô hấp sớm nhất cho bệnh nhân (nhưng ko trì hoãn thời gian tới viện)

Những điều tuyệt đối tránh khi gặp bệnh nhân đột quỵ
- Không được tự ý điều trị như bấm huyệt, châm cứu, đánh gió… vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.
- Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược.
- Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp > 220/120 mmHg và - không dùng thuốc hạ huyết áp quá nhanh.

Dương Hải
Ý kiến của bạn