Bước tiến của Việt Nam
Theo tạp chí công nghiệp - quốc phòng hàng tuần (Nga), từ năm 2013, Việt Nam có kế hoạch sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35UV - một sản phẩm tên lửa được phát triển với sự giúp đỡ của Nga, tương tự như loại hình sản xuất tên lửa BrahMos của liên doanh hàng không Nga - Ấn Độ.
Tạp chí này dẫn lời Giám đốc Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự (FSMTC), ông Mikhail Dmitriev nói rằng, lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự Nga - Việt Nam có triển vọng phát triển tốt hơn nữa trong tương lai gần, bất chấp những tác động cạnh tranh khốc liệt trên lĩnh vực xuất khẩu quốc phòng thế giới hiện nay.
Tên lửa hành trình chống tàu Kh-35 Uran-E.
Tuy nhiên, ông Dmitriev tiết lộ: "Thực tế là Nga và Việt Nam đã lên kế hoạch tạo ra loại tên lửa mới dựa trên nguyên bản tên lửa chống tàu Kh-35 Uran trong tháng 2/2013".
Còn theo báo cáo hồi cuối năm 2012 của Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật (KTRV) cho biết, trong năm 2012, KTRV đã tiến hành các cuộc họp kỹ thuật theo đơn đặt hàng của Việt Nam về việc phát triển hệ thống tên lửa chống hạm Uran-V.
Tháng 4/2012, ba bản thiết kế bổ sung đã được KTRV giao cho Việt Nam theo hợp đồng đã ký kết.
Theo KTRV, trong năm 2012, hai bên đã tiến hành thảo luận và thống nhất về phương diện kỹ thuật và giá cả hợp đồng cùng các điều kiện thực hiện cho dự án sản xuất tên lửa Kh-35 Uran-UV tại Việt Nam. Chi phí được báo cáo cho hợp đồng vào khoảng 1 tỷ USD.
Các thông số kỹ thuật về tên lửa chống hạm Uran-UV của Việt Nam chưa được tiết lộ, nhưng theo Đài Tiếng nói nước Nga, tên lửa Kh-35UV sẽ có tầm xa tấn công mục tiêu lên tới 300 km và mang theo đầu đạn nặng tới 300 kg. Hiệu quả chiến đấu của Kh-35UV được đánh giá tăng 2 - 2,5 lần so với nguyên mẫu.
Tên lửa được thiết kế để có thể hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, có thể chống lại mức độ gây nhiễu cao và cường độ hỏa lực mạnh của đối phương. Như vậy, so với nguyên mẫu, tên lửa Việt - Nga hợp tác sản xuất có tầm bắn được nâng lên gấp đôi.
Ông Igor Korotchenko, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Thị trường Vũ khí Toàn cầu của Nga cho biết: "Đây là loại tên lửa cận âm hiệu quả cao. Nó có thể vượt qua phòng không của bất kỳ lực lượng hải quân nào".
Khẳng định năng lực
Để đạt được bước tiến dài trong sản xuất tên lửa, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam trước đó đã khẳng định mình hoàn toàn có đủ năng lực khi đã tự nâng cấp và sản xuất thành công nhiều thiết bị quan trọng nâng cao hiệu quả chiến đấu cho kho tên lửa có trong trang bị của mình.
Thành công đáng kể nhất là Việt Nam đã nâng cấp thành công hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora lên chuẩn S-125-2TM. Theo đó, S-125 Pechora (SA-3 Goa) là hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô được thiết kế bởi Isayve OKB và đưa vào trang bị từ năm 1963.
Việt Nam bắn thử tên lửa S-125-2TM sau nâng cấp.
Gói nâng cấp này chủ yếu tập trung vào cải tiến radar điều khiển hỏa lực, trang bị an-ten mới, bổ sung phầm mềm lái tự động mới, bộ vi xử lý mới. Radar nâng cấp cho phép cung cấp kênh dẫn hướng cho 2 tên lửa tấn công mục tiêu cùng lúc.
Sau khi nâng cấp, cự ly phát hiện mục tiêu của S-125-2TM tăng lên 100 km (so với 80 km trước khi nâng cấp), độ cao tối đa phát hiện mục tiêu đạt 25 km (so với 18 km trước khi nâng cấp).
Tên lửa của S-125-2TM có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với vận tốc 900 m/s ở cự ly 35 km (trước khi nâng cấp chỉ tiêu diệt được mục tiêu bay với vận tốc 700 m/s, cự ly 25 km). Khả năng kháng nhiễu của hệ thống đạt 2.700 W/MHz (vượt trội rất lớn so với trước khi nâng cấp là 24 W/MHz), thời gian triển khai chiến đấu chỉ mất 20 phút.
Tỷ lệ tiêu diệt các mục tiêu bay của hệ thống S-125-2TM như sau: Với máy bay chiến đấu: từ 85 - 96 % (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 45 - 87%)- Với trực thăng: từ 40 - 80% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 17 - 67%). Với tên lửa hành trình: từ 30 - 85% (trước khi nâng cấp tỷ lệ này là 4 - 48%).