Người giúp Liên Xô chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn chính là Bernard, nhà khoa học Pháp đã trải qua tuổi thơ ở Nga và coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của ông.
“Một người Pháp nặng lòng với nước Nga”
Chiến tranh lạnh và cuộc khủng hoảng Caribe tháng 10/1962 đã buộc các nhà lãnh đạo Xôviết nhận thức rõ rằng, cần phải xem xét lại các công nghệ chế tạo tên lửa của Liên Xô. Dù rất quan tâm đầu tư về công nghệ nhiên liệu rắn nhưng các mẫu thí nghiệm của tên lửa Xôviết với các động cơ sử dụng nhiên liệu này vẫn nặng hơn nhiều so với nhiên liệu lỏng và nhìn chung chưa được hoàn thiện về nhiều thông số.
Ngoài trọng trách chính được giao cho các nhà khoa học - các viện sĩ Vladimir Chelomey và Mikhail Yangel đứng đầu dự án nghiên cứu tên lửa nhiên liệu rắn, các cơ quan tình báo Xôviết cũng được giao nhiệm vụ tìm kiếm thông tin để giúp thúc đẩy nhanh chóng dự án này. Trong năm 1962-1963, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô (GRU) là thu thập được các mẫu và công nghệ sản xuất nhiên liệu rắn của Mỹ.
Tháng 2/1964, lãnh đạo bộ phận Pháp của GRU - Thiếu tướng Ivan Cheredeev, đã báo cáo thủ trưởng của mình là đô đốc Soloviev: “Sĩ quan tác chiến của cụm tình báo ở Paris - Trung tá hải quân Liubimov V.A - đã nghiên cứu tích cực Bernard và đào tạo ông thành nguồn khai thác tài liệu và các mẫu nhiên liệu rắn của Mỹ, cũng như các thành tố của chúng.
Trong quá trình nghiên cứu, Bernard đã nhiều lần chuyển tài liệu và các mẫu được đánh giá cao. Trong vòng năm 1962-1963, đã nhận được từ ông 24 tài liệu và 3 bộ mẫu được công nhận là rất giá trị”.
Các tài liệu lưu trữ đều cho thấy, chi nhánh GRU tại Paris đã đóng vai trò hàng đầu trong việc hoàn thành nhiệm vụ trên. Hai nhân vật quan trọng nhất trong chiến công này là sĩ quan tình báo Victor Liubimov (mật danh Liutov) và nguồn tin Bernard của anh.
Bernard sinh năm 1909, là kỹ sư hóa chất. Ông là Phó chủ tịch chi nhánh ở Pháp của một hãng sản xuất nhựa cao phân tử và thiết bị lớn của Mỹ và là giám đốc kỹ thuật của hãng sản xuất các sản phẩm hóa học và cao su. Với tính chất công việc của mình, Bernard có các mối quan hệ làm việc chặt chẽ với hàng loạt các hãng của Mỹ hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nhiên liệu rắn.
Nhà khoa học người Pháp này đã trải qua tuổi thơ ở Nga. Ông sinh ra ở đây và lớn lên trong một gia đình người Pháp dạy ngữ văn. Năm 1920, gia đình ông trở về Pháp nhưng ký ức về nước Nga luôn ở trong tâm trí Bernard và ông luôn coi mảnh đất này là quê hương thứ hai của mình. Đó là cơ sở cho tình bạn thân thiết giữa Liubimov và Bernard, bất chấp chênh lệch tuổi tác.
Bernard có mối quan hệ rộng rãi với nhân viên các công ty của Pháp và Mỹ. Ngoài ra, công xưởng của ông hoạt động theo giấy phép của Mỹ và 70% thuộc về người Mỹ. Vì thế, Bernard có mọi khả năng và cơ sở để trao đổi tài liệu công nghệ với họ. Bên cạnh đó, các chuyên gia bạn bè của ông đều thuộc giới lãnh đạo các công ty và bản thân Bernard là chuyên gia về chất trùng hợp cao phân tử và hãng của ông không tiến hành những công trình nghiên cứu nhiên liệu rắn. Sự chú ý quá mức đến các đề tài bí mật có thể sẽ gây nghi ngờ.
Tuy nhiên, Moskva đã nhận được thông báo làm yên lòng từ Liubimov: “Bernard đồng ý khai thác những tài liệu mà chúng ta quan tâm”. Sĩ quan tình báo này đã viết: “Trong hai lần gặp gần đây, Bernard đã nhấn mạnh mong muốn của mình là được độc lập cả về tinh thần lẫn vật chất. Ông nói rằng, ông hiểu rõ bản chất của những lời đề nghị của chúng ta, nhưng không muốn phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức tình báo nào. Ông giúp đỡ và thực hiện trong phạm vi có thể những yêu cầu của chúng ta, chỉ xuất phát từ thiện cảm đối với đất nước và nhân dân Xôviết chứ không phải từ mong muốn hưởng lợi”.
Chỉ trong vòng hai tháng đầu tiên Bernard đã chuyển cho tình báo Xôviết 26 cuốn sách kỹ thuật, mà theo nhận xét của ngành tình báo là “hết sức có giá trị” như: Chỉ dẫn làm việc với các chất oxy hóa; các tài liệu mô tả thiết bị để sản xuất poliuretan; báo cáo của chủ nhiệm các công trình nghiên cứu khoa học; đặc tính của các nhiên liệu rắn, các mối liên kết cháy và chất oxy hóa do chính Bernard lập; hai báo cáo công trình nghiên cứu khoa học.
Mùa hè năm 1962, vì công việc của hãng nên Bernard đã bay sang Mỹ. Ông cũng sử dụng chuyến đi này vào mục đích tình báo. Ông đi thăm 7 hãng lớn chuyên chế tạo nhiên liệu rắn và trên cơ sở các chuyến tham quan và gặp gỡ các nhân viên của các hãng này, ông đã lập được một bản tổng kết về nhiên liệu rắn.
Ngày 19/7, trong thời gian gặp gỡ ở Paris, Bernard và Liubimov đã quyết định rằng có thể có được những công nghệ của Mỹ một cách chính thức bằng cách góp cổ phần với một hãng nào đó của Pháp. Tuy nhiên, để che đậy hợp đồng này cần phải tồn tại, dù chỉ là vẻ bề ngoài, mối quan hệ thương mại của công ty Bernard với hãng đó. Trong khi đó, công ty của Bernard lại công ty hóa chất và việc mua các công nghệ nhiên liệu rắn có thể sẽ gây ra những câu hỏi về mặt pháp lý trong các thành viên hội đồng quản trị. Quả nhiên, người Mỹ đã từ chối. Washington trả lời là sẽ bán cho Pháp công nghệ nhiên liệu rắn trong khuôn khổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bernard đề nghị người chỉ huy Xôviết của mình một phương án khác: ông thay mặt hãng của mình đặt mua sách chuyên khảo cho chủ tịch của một trong số các công ty chuyên nghiên cứu các vấn đề tên lửa nhiên liệu rắn, người đó tên là Bishol.
Chuyến đi Moskva cuối cùng
Thời gian trôi đi, đã đến thời điểm ban lãnh đạo tình báo ở Moskva muốn gặp trực tiếp điệp viên người Pháp của mình. Bernard đã bay đến Moskva vào cuối tháng 9/1962. Liubimov đón ông ở sân bay Sheremetievo và đưa ông về khách sạn National. Thế là sau thời gian hơn 40 năm Bernard lại quay trở về với quê hương thứ hai của mình.
Ngày hôm sau Bernard đã gặp gỡ các đại diện của Trung tâm. Ông xác nhận mình đồng ý giúp đỡ khai thác thông tin, nhưng đề nghị chỉ đặt nhiệm vụ trong phạm vi khả năng của ông.
Khi trở về Paris, Bernard đã tìm kiếm khả năng có được một cách bí mật công nghệ nhiên liệu rắn. Ông đã chuyển cho Liubimov 41 cuốn sách tham khảo kỹ thuật và các mẫu keo (cùng với bản miêu tả chi tiết), được dùng để dán các khối nhiên liệu rắn trong vỏ tên lửa. Tháng 3/1963 trung tâm nhận được điện báo: “… Liutov cùng với Bernard đã tiến hành chiến dịch sao chép nhanh chóng tuyển tập bí mật, do Bishol chuẩn bị theo đặt hàng của một tập đoàn của Đức.
Tuyển tập này do một người tin cẩn của Bishol tên là Kemp trao cho vào sáng ngày 23/3 và được trao trả lại vào hai ngày sau đó”. Tuyển tập khoa học tuyệt mật - thành quả lao động của các nhà bác học Mỹ - đã có mặt tại trung tâm ở Moskva, sớm hơn cả ở Bonn (Đức).
Tháng 6/1965, trong một cuộc gặp với Bernard, Liubimov thông báo với ông rằng mình sắp quay về tổ quốc và sẽ chuyển giao đầu mối liên lạc khác cho Bernard - Đó là sĩ quan tác chiến Basov.
Sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Tổng tham mưu - Đại tướng Ivashutin P.I nhận được bức điện từ cụm tình báo Paris gửi về: “Nguồn tin quý giá của cụm tình báo Paris Bernard đã chuyển cuốn sách tham khảo, do người bạn của ông - Bishol - là chủ tịch một công ty lớn viết theo kế hoạch đã được thỏa thuận với các chuyên gia của chúng ta. Cuốn sách gồm hai chương và là phần đầu tiên của tài liệu về các vấn đề những nhiên liệu được sử dụng trong kỹ thuật tên lửa. Phần hai và phần ba sẽ được chuyển sau. Đề nghị đồng ý trả 5.000USD cho tác giả”.
Ngày 22/9/1965, một bức điện khác được gửi từ cụm tình báo Paris về Trung tâm: “Bernard ốm nặng. Basov tuân thủ mọi biện pháp phòng ngừa đã đến thăm Bernard tại nhà. Bernard rất mừng rỡ và cảm ơn về lời đề nghị giúp đỡ thuốc men. Tuy nhiên, ông từ chối sự giúp đỡ về tài chính. Tình trạng Bernard rất trầm trọng - ông bị ung thư gan và không thể dậy khỏi giường”.
Trong tháng 10 năm đó, Basov lại tới thăm Bernard và chuyển cho ông tiền cho Bishol cùng 10.000 franc để chữa bệnh (đây cũng là lần đầu tiên Bernard nhận tiền từ phía Liên Xô). Ngày 24/10/1965, Bernard qua đời tại Paris.
Tháng 12/1965, ở Liên Xô, tổ hợp di động với tên lửa đạn đạo có điều khiển tầm xa 900km “Temp-S” đã được đưa vào trang bị. Trong các tên lửa có sử dụng nhiên liệu rắn “Temp-S”. Tổ hợp nằm trong trang bị của bộ đội tên lửa chiến lược và sau đó là bộ đội lục quân gần một phần tư thế kỷ cho đến năm 1988.
Có điều không mấy ai biết được, thành tựu này của ngành công nghiệp quân sự Xôviết có sự đóng góp rất quan trọng của Bernard - một người Pháp nặng lòng với nước Nga.
Theo PetroTimes