Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 27/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.
Làm rõ ý kiến các ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói: Từ các ý kiến của các ĐBQH và của cử tri cả nước có thể khẳng định, thời điểm này ngành y tế gặp khó khăn hơn bao giờ hết. "Rất nhiều các lĩnh vực của ngành cũng đã bộc lộ những vướng mắc trong quá trình thực hiện" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Bộ Y tế tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện chính sách BHYT
Giải trình vấn đề ĐBQH nêu liên quan tới nhóm vấn đề về bảo hiểm y tế (BHYT), đối với người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tại Quyết định số 861, các xã khu vực 3, khu vực 2 đã được phê duyệt quyết định này nếu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực 1 và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với các xã khu vực 3, khu vực 2 kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Trong quá trình triển khai thực hiện, các chính sách liên quan đến BHYT của người dân tại khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nhận thấy vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành rà soát những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đến thời điểm này, những vướng mắc liên quan tới việc thực hiện chế độ BHYT đối với người dân trong Quyết định 861 đã được tổng hợp, điều chỉnh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm, cùng với việc triển khai thực hiện Quyết định 353 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, đối với việc mua thẻ BHYT cho nhân dân vùng ATK những nội dung vướng mắc liên quan đến thực hiện chế độ chính sách liên quan đến BHYT đã được Chính phủ chỉ đạo và đưa vào Nghị định 146 (sửa đổi).
Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi Nghị định 146, đến nay nghị định này đang được Bộ Tư pháp để thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.
Đối với tình trạng nợ đọng BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết có những vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật BHYT và Nghị định 146 còn quy định chưa thống nhất.
Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia BHYT theo phương thức giá dịch vụ y tế đang có vướng mắc.
Chính vướng mắc này liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Qua thực tiễn trong thời gian vừa qua, rất nhiều năm gần đây, các bệnh viện, các cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức, chưa đáp ứng được theo yêu cầu.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan phân tích: Các chi phí khám, chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán, chính vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn cho các cơ sở y tế, gây khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu... Và nhiều cơ sở y tế vì thế mà thành "con nợ".
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và BHXH Việt Nam sửa đổi Nghị định 146, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trước mắt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021 và hiện nay nghị định này đang được thẩm định.
Để giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh vấn đề liên quan đến việc sửa đổi quy định về văn bản pháp luật, Bộ Y tế sẽ phối hợp với BHXH Việt Nam đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm soát.
Về vấn đề BHYT đối với học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, nội dung này liên quan đến quy định tại Điều 12 của Luật BHYT.
"Theo kế hoạch luật này sẽ được sửa đổi vào năm 2023, Bộ Y tế tổng hợp nội dung này trong quá trình sửa đổi luật" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Làn sóng chuyển dịch từ y tế khu vực công sang khu vực tư nhân không chỉ ở Việt Nam
Về liên quan đến đảm bảo nguồn nhân lực y tế, làm rõ thông tin trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế không chỉ có Việt Nam mà làn sóng chuyển dịch từ y tế khu vực công sang khu vực tư nhân đã xảy ra ở nhiều nước.
Qua đánh giá của Tổ chức y tế thế giới (WHO), y tế toàn cầu thiếu hụt khoảng 15 triệu nhân lực vào năm 2022 và qua quá trình triển khai thực hiện, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, làn sóng chuyển dịch của ngành y tế của Việt Nam bên cạnh những đặc điểm tương đồng với thế giới cũng có những đặc điểm đặc biệt hơn.
"Ví dụ Việt Nam có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Hiện có khoảng 10 bác sĩ và 13 điều dưỡng trên 1 nghìn dân. Tình hình nhân viên y tế nghỉ việc khu vực công sang khu vực tư cũng đã xuất hiện, qua rà soát, đánh giá cho thấy quy mô diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến. Trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn" - Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu một số giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực y tế. Theo đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.
"Các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp cho vấn đề tăng nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ báo cáo bổ sung trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này" - Bộ trưởng nói.