Giá dịch vụ y tế hiện xây dựng chưa bao quát hết chi phí vận hành bệnh viện với 7 yếu tố
Tại buổi làm việc giữa Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan với Lãnh đạo BV Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, phụ trách phòng Tài chính - Kế toán, BV Bạch Mai cho biết giá khám chữa bệnh tại BV Bạch Mai đang thấp hơn so với một số viện khác.
Ví dụ, giá chụp X-quang số hóa một phim tại viện là 65.400 đồng, trong khi BV Đại học Y Hà Nội thu 80.000 đồng, BV Đại học Y Dược TP HCM thu 70.000 đồng, BV Việt Đức 200.000 đồng; giá siêu âm tại BV Bạch Mai 43.900 đồng, còn BV Đại học Y Hà Nội thu 120.000 đồng, BV Đại học Y Dược TP HCM thu 150.000 đồng, BV Việt Đức 240.000 đồng...
Theo phân tích của đại diện BV Bạch Mai: Một lượt siêu âm là 43.900 đồng không đủ để chi trả hao mòn máy móc, chưa tính tới tiền nhân công. Mức giá được xây dựng chưa bao quát hết chi phí vận hành bệnh viện với 7 yếu tố gồm chi phí thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ; tiền lương, phụ cấp; chi phí sửa chữa lớn, khấu hao trang thiết bị; khấu hao nhà cửa; đào tạo, nghiên cứu khoa học.
"Hiện giá viện phí mới bao gồm 4 yếu tố: thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. Với cách tính này, dù bệnh nhân đông, nguồn thu bệnh viện vẫn eo hẹp, rất khó khăn khi phải cân bằng thu, chi" - đại diện BV Bạch Mai nói.
Trao đổi về vấn đề viện phí, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, về đề xuất liên quan đến giá dịch vụ y tế BHYT phải thống nhất trên toàn quốc. Đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, trên thực tế tại BV Bạch Mai, giá đã giảm so với trước đây vì các vấn đề liên doanh liên kết, xã hội hóa máy móc và do bệnh viện tự nguyện thực hiện nên BV Bạch Mai có điều chỉnh giảm.
"Đơn cử như giá siêu âm tại Bạch Mai, trước đây 110.000 đồng, sau khi rà soát thì giảm còn 43.900 đồng, do không phải là quy định bắt buộc nên bệnh viện có thể điều chỉnh"- ông Nguyễn Hoàng Long nói.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cũng cho biết Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư 13 và 14 trong năm 2019 đề xuất tăng viện phí nhóm bảo hiểm y tế và ban hành giá khám theo yêu cầu. Tuy nhiên, mức tăng này ảnh hưởng tới giá chỉ số tiêu dùng, do đó Chính phủ không phê duyệt ban hành giá khám theo yêu cầu. Sau đó, khung giá khám theo yêu cầu tiếp tục bị hoãn ban hành do COVID-19 bùng phát và Chính phủ yêu cầu không tăng giá dịch vụ y tế.
Tháng 6 năm nay, Chính phủ cho phép tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, gồm giá bảo hiểm và không bảo hiểm, giá khám theo yêu cầu. Hiện Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xây dựng phương án thực hiện tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế. Phương án đã được Vụ Kế hoạch Tài chính trình Bộ trưởng, sẽ thành lập tổ công tác để làm việc với đơn vị có liên quan, triển khai nhanh.
Bên cạnh viện phí, BV Bạch Mai cũng nêu các khó khăn liên quan tới đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế. Nhiều thiết bị y tế đắp chiếu do vướng thủ tục pháp lý, khiến công suất của bệnh viện giảm mạnh, phải chia khám ngoại trú vào buổi sáng, khám nội trú vào buổi chiều và đêm. Lượng công việc tăng cao, nhân viên bệnh viện phải đi làm từ 5h sáng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết Bộ Y tế cũng đã có dự thảo văn bản để gửi Bộ Công an đề nghị sớm có phương án xứ lý cho các máy móc liên doanh, liên kết trong các vụ án đã xử để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đề xuất bãi bỏ quy định báo giá đấu thầu trang thiết bị y tế phải cập nhật trong 12 tháng như hiện nay
Liên quan đến đề xuất sửa đổi Thông tư 14 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang tổng hợp các bất cập về kê khai giá thiết bị y tế, đã thành lập ban soạn thảo để tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 14 phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất chỉ lựa chọn các danh mục thiết yếu, thị phần giá trị lớn, nhiều để quản lý, thay vì quản lý hơn 100.000 thiết bị y tế với nhiều cấu hình khác nhau.
Ông Lợi cũng cho biết thêm quan điểm của Vụ là sửa đổi theo hướng đề xuất bãi bỏ quy định báo giá phải cập nhật trong 12 tháng hiện nay (Thông tư14 quy định nếu mua một số một số thiết bị y tế yêu cầu phải có 3 báo giá để xác định giá kế hoạch và các báo giá phải cập nhật trong vòng 12 tháng- PV).
Tại buổi làm việc, chia sẻ những khó khăn của BV Bạch Mai, Quyền Bộ trưởng Y tế nói rằng đây cũng là khó khăn chung của ngành và Bộ Y tế đã có tờ trình Chính phủ để gỡ khó.
Theo đó, Bộ Y tế đã có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và cho phép ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn.
"Bộ Y tế đã tháo gỡ dần tình trạng thiếu thuốc cao điểm vào đầu tháng 6 vừa rồi. Hiện còn một số vướng mắc, thiếu hụt về trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ Y tế cũng đã đề xuất các giải pháp và trình Chính phủ cho phép thực hiện, từng bước tháo gỡ các vướng mắc. Một số khó khăn của ngành, của bệnh viện trong khám chữa bệnh sẽ dần được khắc phục để làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất"- Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.