Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đưa ra giải pháp xử lý tình trạng gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đại biểu Tô Văn Tám tán thành với các giải pháp xử lý tình trạng trên của Chính phủ, đồng thời đề nghị thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính; Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.
Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý; Quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đề cập đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc làm cho cử tri lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, các dịch bệnh khác có thể bùng phát.
Trong khi đó, ĐBQH Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, việc cấp bách hiện nay là chúng ta phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chế độ tối ưu để tuyển chọn và xây dựng cho được một đội ngũ công chức, lãnh đạo ưu tú, dấn thân vì tổ quốc.
Bản thân đại biểu tin rằng: "Họ rất cần được cả xã hội cổ vũ, ủng hộ hết mình để làm nên những kỳ tích mà cả dân tộc có thể tự hào, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cả nhiều thế hệ mai sau. Một thể chế mạnh mẽ, minh bạch, rõ ràng và hiệu lực cao sẽ tạo môi trường làm việc tối ưu, giúp cho công chức yên tâm làm việc, thu nhập chính đáng từ lương đủ nuôi mình và giúp đỡ gia đình và quan trọng hơn họ được pháp luật bảo vệ và khi đó, nhiều người bình thường sẽ trở thành anh hùng khi đảm nhiệm những nhiệm vụ gian khó".
Tranh luận với các ý kiến ĐBQH về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, cần xem xét, phân tích và đánh giá cụ thể.
Đại biểu lấy ví dụ: "Tại BV Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 bệnh nhân tới khám, 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Các y bác sĩ phải khám vài chục đến cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, áp lực rất lớn, thậm chí chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ không phải người bệnh".
Bên cạnh đó, đối với tuyến cơ sở, đại biểu Thủy nêu lên thực tế: "Ở các trạm y tế xã phường, vốn đã ít nhân lực, nhưng phải đảm trách nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia, vừa phải đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm chủng. Áp lực công việc rất lớn nên dẫn đến tình trạng cán bộ, nhân viên y tế chuyển việc".
Đưa ra một số giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ cần cải thiện môi trường làm việc của ngành y; đồng thời đẩy mạnh công nghiệp dược và sản xuất vaccine để có thể chủ động nguồn lực ngay từ trong nước mà không phải lệ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, cần phải coi là giải pháp căn cơ, chiến lược.