Hà Nội

Biểu hiện nhiễm khuẩn E.coli, cách phòng tránh nhiễm E.coli trong mùa hè

02-07-2024 16:16 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho khuẩn E.coli phát triển. Đây là nguyên nhân của 30% các ca tiêu chảy tại Việt Nam mỗi năm. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm E.coli nhưng trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn.

Mùa hè thuận lợi cho khuẩn E.coli phát triển gây tiêu chảy

E.coli (viết tắt của Escherichia coli) là một loại vi khuẩn thuộc hệ thống vi khuẩn chí của cơ thể người và động vật. Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho khuẩn E.coli phát triển. E.coli hiện diện rất nhiều trong môi trường và là nguyên nhân của 30% các ca tiêu chảy tại Việt Nam mỗi năm. Loại vi khuẩn này lây nhiễm qua đường phân - miệng. 

Tại nơi có sự xuất hiện của E.coli (ví dụ như trong nước, thực phẩm hay bàn tay...) điều đó chỉ điểm cho biết nguồn nước, thực phẩm, bàn tay đó đã bị nhiễm phân. Việc hiện diện của E.coli là do xử lý chất thải không tốt, thói quen sử dụng phân tươi tưới rau quả khiến nó tồn tại trong môi trường và dễ gây ô nhiễm vào rau quả.

Ghi nhận thực tế là E.coli chủ yếu lây qua đường phân - miệng, nếu vệ sinh kém thì E.coli dễ nhiễm vào thịt tươi, quá trình giết mổ. Quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm không hợp lý cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tiêu chảy do nhiễm phải vi khuẩn này.

Biểu hiện nhiễm khuẩn E.coli, cách phòng tránh nhiễm E.coli trong mùa hè- Ảnh 1.

E.coli sống tiềm ẩn khắp nơi gây ra ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước...

E.coli sống tiềm ẩn khắp nơi (có trong đất, nước bị ô nhiễm, bàn tay của những người chế biến thực phẩm không sạch, các loại thực phẩm,...) là một trong những vi khuẩn gây ra ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước và là tác nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp tính.

Trong môi trường bên ngoài cơ thể E.coli có sức đề kháng tương đối cao, chúng có thể tồn tại lâu dài ở trong môi trường, thức ăn, trên da,… Tuy nhiên, khuẩn E.coli dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ nóng, chỉ cần nấu sôi 70 độ C trở lên là đã diệt được loại vi khuẩn này. Có điều là phần lớn khuẩn E.coli nhiễm trên rau quả, mà những loại này chúng ta thường dùng tươi sống, ít nấu chín nên khả năng nhiễm bệnh là rất cao.

Biểu hiện nhiễm E.coli

E.coli thường lây nhiễm chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ người sang người hay từ động vật sang người, thông qua các thức ăn, nước uống, bàn tay bẩn, đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống bị nhiễm vi khuẩn...

Các triệu chứng phổ biến của nhiễm E.coli thường gặp như: Tiêu chảy nhẹ hoặc nặng xuất hiện đột ngột phân lỏng đôi khi có máu trong phân; Đau bụng quặn thắt hoặc âm ỉ; Buồn nôn, ói mửa, chán ăn; Mệt mỏi; Sốt…

Ở những người bị nặng có thể xuất hiện các triệu chứng như: mất nước, nước tiểu có máu, da nhợt nhạt, có thể xuất hiện các vết bầm mặc dù trước đó không có va chạm,... E.coli có thể được phát hiện qua xét nghiệm từ bệnh phẩm phân hoặc các dịch tiết tiêu hóa.

Biến chứng khi nhiễm khuẩn E.coli

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm E.coli nhưng trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn. 

Ở một số trường hợp, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi bị nhiễm E.coli chủng STEC thì có thể phát triển một tình trạng gọi là hội chứng huyết tán tăng urê máu (HUS). Lúc này, vi khuẩn sẽ tiết ra độc tố trong đường ruột của người bệnh. Sau đó độc tố đi vào máu, phá hủy các tế bào hồng cầu, có thể gây suy thận cấp hoặc bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào khác. Biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng xảy ra ở khoảng 5 – 10% bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm STEC.

Các triệu chứng ban đầu của hội chứng huyết tán tăng urê máu bao gồm tiêu chảy (thường có máu), sốt, đau bụng, nôn mửa. Đối với những trường hợp tiểu tiện ra máu, trên cơ thể xuất hiện nhiều vết bầm dù không đâm vào đâu. Đặc biệt, làn da của người bệnh trở nên nhợt nhạt, tái,…cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Lời khuyên thầy thuốc

Biểu hiện nhiễm khuẩn E.coli, cách phòng tránh nhiễm E.coli trong mùa hè- Ảnh 2.

Cần phải ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch các loại quả, rau ăn sống.

Vi khuẩn E.coli có mặt ở khắp nơi ngoài môi trường nên việc phòng ngừa nhiễm khuẩn là vấn đề rất quan trọng. Vì vậy, cần sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ dùng các thực phẩm tươi. Cần phải ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch các loại quả, rau ăn sống. Nên gọt vỏ hoa quả trước khi ăn. Không sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh đã được rã đông và cấp đông lại nhiều lần.

Chỉ nên ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, không nên ăn nhiều đồ sống, đồ chín tái.

Thức ăn sau khi vừa nấu xong nên ăn ngay, đảm bảo hương vị của món ăn đồng thời tránh nhiễm khuẩn từ môi trường.

Cần bảo quản các thức ăn đã nấu chín cẩn thận và đúng cách. Các thức ăn chín nếu dùng lại sau 5 tiếng nên được đun kỹ lại. Không nên dùng các thức ăn dùng lại cho trẻ em.

Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với thức ăn sống hoặc với các bề mặt bẩn (như sử dụng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm). Bát đĩa cần phải được vệ sinh và lau khô bằng khăn sạch.

Tiêu chảy nhiễm trùng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trịTiêu chảy nhiễm trùng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

SKĐS - Tiêu chảy nhiễm trùng có thể xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Thông thường, tình trạng tiêu chảy vẫn có thể kiểm soát và điều trị khỏi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những trường hợp phát hiện và điều trị muộn có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc lây lan và trở thành dịch lớn.



BS. Nguyễn Phương Anh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn