Mùa nóng, phòng tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn và xử trí đúng cách

23-06-2022 14:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Một trong các biểu hiện điển hình của ngộ độc thức ăn là tiêu chảy. Tiêu chảy cấp có thể xảy ra quanh năm nhưng nhiều hơn trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, nguy cơ thực phẩm, thức ăn ôi thiu.

Biểu hiện thường gặp của tiêu chảy do ngộ độc thức ăn là đi ngoài phân lỏng, số lần đi ngoài tăng lên. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây rối loạn điện giải, mất nước, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, việc phòng bệnh và xử trí đúng là vô cùng quan trọng.

1. Mùa nóng dễ bị tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn

Thời tiết nóng bức, độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại phát triển. Trong khi đó nhiều người xử lý thực phẩm hoặc nấu nướng món ăn không đúng cách hoặc thức ăn để ngoài không khí nóng quá lâu. Thức ăn không được nấu chín kĩ để "tiêu diệt" các vi khuẩn, thay vào đó, vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn. Nấu thức ăn với nước bị ô nhiễm… dễ dẫn đến ngộ độc thức ăn và gây tiêu chảy.

Môi trường bị ô nhiễm do rác thải, nước thải sinh hoạt là điều kiện thuận lợi cho côn trùng truyền bệnh. Thực phẩm hoa quả và rau xanh chưa được rửa sạch đúng cách. Ngoài ra, nắng nóng nhiều người chán ăn, ngại chế biến nên hay sử dụng thức ăn đường phố nhất là ở những hàng quán không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bán sẵn trên mạng xã hội, ở các cửa hàng, vỉa hè tiện lợi bày bán thực phẩm không an toàn… gây ra ngộ độc thức ăn và tiêu chảy.

Mùa nóng, phòng tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn và xử trí đúng cách - Ảnh 1.

Mùa hè nóng bức dễ khiến thức phẩm ôi thiu, vi khuẩn xâm nhập dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

2. Triệu chứng tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn

Hầu hết các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đều có một hoặc vài triệu chứng như: buồn nôn, đi ngoài phân lỏng kèm theo đau bụng. Tuy nhiên có trường hợp ngộ độc thức ăn nhẹ, dẫn đến tiêu chảy cấp cũng không có nhiều biểu hiện rõ nên nhiều người chủ quan.

Đặc điểm cần chú ý nếu bị tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn bao gồm: Đi ngoài phân lỏng nhiều lần (> 4 lần/ngày) nhưng không phải kiểu đi xối xả như những người bị tả. Phân có mùi khó chịu, phân nát hoặc lỏng, có thể có lẫn chất nhầy hoặc máu. Người bị ngộ độc thức ăn sẽ có dấu hiệu đau bụng, có những cơn đau quặn vùng bụng khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn, khó chịu. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị sốt. Hầu hết là sốt nhẹ.

Các triệu chứng trên có thể bắt đầu trong vòng vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày sau khi ăn các thực phẩm bị ô nhiễm.

‎Các trường hợp nặng thường có các triệu chứng của tình trạng mất nước, rối loạn nước, điện giải: Khát nước, miệng khô, đi tiểu ít hoặc không có, kèm theo đau đầu, hoa mắt, chóng mặt.

3. Cần xử trí đúng khi bị tiêu chảy cấp do ngộ độc thức ăn

Nếu sau khi ăn mà có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy thì cần nghĩ ngay đó là do ngộ độc thức ăn. Việc bị tiêu chảy cấp, đi ngoài nhiều lần khiến cho bệnh nhân mất nước nên việc xử trí đúng cách để tránh tình trạng nguy hại đến sức khỏe.

Việc đầu tiên là cần bù nước bằng cách uống oresol và nước lọc. Có thể uống nước lọc, nước hoa quả như nước dừa, nước cam… Uống nước Oresol từng ngụm nhỏ, uống từ từ, từng chút một.

Nếu buồn nôn tránh ăn những thức ăn đặc cho đến khi không còn nôn nữa. Không ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên, xào, nướng, …. để tránh bị đầy bụng gây đau bụng khó chịu. Không ăn thức ăn có vị cay hoặc các thức ăn chứa nhiều đường.

Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân bị mất nước, mất sức, cơ thể mệt mỏi. Cần phải đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh bằng cách cho bệnh nhân ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn một lượng thức ăn vừa phải.

Người bệnh nên ăn những thức ăn mềm, được nấu loãng như cháo hoặc súp. Đây là những món ăn vừa giàu chất dinh dưỡng, lại dễ hấp thu. Người bệnh có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm hoặc những đồ ăn cứng khó nuốt.

Cần thường xuyên theo dõi sát nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân. Nếu người bệnh sốt trên 38,5 độ thì nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ sốt Paracetamol 10 -15mg/kg cân nặng, 2 lần cách nhau tối thiểu 4 – 6h, uống không quá 4 lần/ngày.

Tuyệt đối không dùng thuốc chống nôn hoặc chống tiêu chảy cấp khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Tuyệt đối không nên sử dụng Loperamid. Đây là thuốc làm giảm nhu động ruột, khiến độc tố không thải trừ được ra ngoài, gây nguy hiểm với cơ thể người bị ngộ độc thức ăn.

4. Khi nào cần tới gặp bác sĩ?

Bệnh nhân tiêu chảy cấp cần tới gặp cơ sở y tế ngay khi có một trong các biểu hiện như: 

  • Đi ngoài phân lỏng nhiều lần liên tục, buồn nôn và nôn nhiều, không có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Đau bụng quằn quại. 
  • Sốt cao, uống thuốc hạ sốt mà không đỡ.
  • Các dấu hiệu bất thường khác nghi ngờ nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.  

5. Cách phòng tiêu chảy do ngộ độc thức ăn

Thời tiết nắng nóng nên thức ăn rất dễ hỏng do vậy để phòng chống bệnh tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm mọi người cần chú ý đến việc chọn thực phẩm tươi sạch. Các thực phẩm đã chế biến phải được đóng hộp hoặc đóng gói đảm bảo, phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến; có số đăng ký sản xuất và còn thời hạn sử dụng. Với đồ hộp không chọn hộp bị méo, phồng hay gỉ. Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc.

‎Không sử dụng các loại thực phẩm lạ (cá lạ, rau, quả hoặc nấm lạ) chưa biết rõ nguồn gốc. Không sử dụng các phẩm màu, đường hóa học không nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép.

Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Đây là một trong những điều quan trọng nhất để đảm bảo cho bạn tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Nên thực hiện một số nguyên tắc sau để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, nhất là đối với trẻ nhỏ. Không ăn các thức ăn tái, sống như các món gỏi, tiết canh, các loại nem làm từ thịt sống, …Không uống nước mưa, nước lã, …

Giữ vệ sinh dụng cụ chứa đựng thực phẩm, nơi ăn uống và chế biến thực phẩm luôn sạch sẽ, khô ráo. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn... Để đảm bảo an toàn, nên mua thực phẩm ở những địa chỉ uy tín. Nên rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Bệnh tiêu chảy cấp và cách phòng chốngBệnh tiêu chảy cấp và cách phòng chống

SKĐS - Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng 4 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày.

Mời xem video được quan tâm:

Sáng 21/6: Choáng Váng Lũ Lụt “Nhấn Chìm” Trung Quốc, Tàn Phá Nhà Cửa, Cuốn Trôi Nhiều Người | SKĐS


ThS.BS. Nguyễn Thị Việt
Ý kiến của bạn