Hà Nội

Bài tập giảm tái phát cho người bệnh trĩ

22-05-2024 12:46 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh trĩ gặp nhiều ở người lao động tĩnh tại, táo bón kéo dài... Do đó, tăng cường tập luyện là biện pháp hiệu quả giúp bệnh giảm khả năng tái phát.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh trĩ

Tập luyện có tác dụng kích thích chức năng ruột, hạn chế táo bón (nguyên nhân gây bùng phát bệnh trĩ).

Tập thể dục làm tăng nhịp tim sẽ làm tăng lưu lượng máu đến vùng trực tràng, giúp củng cố các mô hỗ trợ (giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát) và cung cấp chất dinh dưỡng cũng như oxy đến các vùng bị viêm (để giúp giảm các đợt bùng phát).

2. Bài tập tốt nhất cho người bệnh trĩ

- Đi dạo: Đi dạo là một bài tập đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm táo bón, cải thiện tuần hoàn, tăng cường cơ chân và xương chậu, giảm áp lực lên tĩnh mạch. Đặt mục tiêu đi bộ 30 phút mỗi ngày để giảm bớt các triệu chứng bệnh trĩ và cải thiện sức khỏe tổng thể.

- Hít thở sâu: Đây là một bài tập khác dành cho người bệnh trĩ có thể làm giảm căng cơ sàn chậu.

Cách thực hiện:

  • Ngồi thẳng, tay trái đặt lên bụng, tay phải đặt lên ngực.
  • Hít vào, căng phồng bụng lên.
  • Thở hết ra, xẹp bụng lại, kéo rốn về phía cột sống.
  • Tiếp tục hít thở sâu trong khoảng 5 phút.

- Nghiêng xương chậu: Những bài tập này giúp tăng cường cơ vùng chậu một cách hiệu quả, giảm áp lực lên tĩnh mạch và cải thiện lưu thông máu vùng hậu môn.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa với đầu gối cong và hai bàn chân đặt phẳng trên sàn.
  • Siết chặt cơ bụng và nâng hông, mông lên sao cho thân mình tạo thành một đường thẳng.
  • Giữ tư thế trong 10 giây. Sau đó trở về tư thế ban đầu thư giãn.
  • Ngày tập hai lần, mỗi lần mười cái.
Hoạt động thể chất vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh 20 phút mỗi ngày, có thể kích thích chức năng ruột cũng như tăng cường lưu lượng máu và trương lực cơ. Các hoạt động tim mạch có lợi khác bao gồm chạy, bơi lội và thể dục nhịp điệu.

- Bài tập Kegel: Các bài tập sàn chậu này liên quan đến việc co bóp và thư giãn các cơ ở vùng chậu, tăng cường sức mạnh cho các cơ nâng đỡ hậu môn và trực tràng, tốt cho người bệnh trĩ.

Thực hiện các bài tập Kegel bằng cách co các cơ sàn chậu trong năm giây, thư giãn trong năm giây và lặp lại, mỗi ngày hai lần, mỗi lần mười cái.

- Yoga: Yoga làm giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh trĩ bằng cách tăng cường tuần hoàn, giảm táo bón và tăng cường cơ vùng chậu.

+ Tư thế đứa trẻ (Balasana): Bài tập này giúp điều trị táo bón, hỗ trợ tiêu hóa và xoa bóp các cơ quan nội tạng.

Cách thực hiện:

  • Ngồi xuống thảm tập yoga sao cho hông chạm vào gót chân.
  • Nghiêng người về phía trước và chạm mũi xuống đất.
  • Duỗi hai tay ra phía trước cơ thể và giữ nguyên tư thế này trong khoảng năm phút.

+ Động tác ngồi trên chân, kiểu viên đe: Đây là động tác phòng và chữa bệnh tiết niệu, hệ sinh dục, di tinh, liệt dương, vùng chậu, bụng dưới, vùng thắt lưng.

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên hai chân xếp lại, hai ngón chân cái chạm vào nhau, lưng thẳng hơi ưỡn ra phía sau, hai bàn tay để tự nhiên trên đùi.
  • Hít vào tối đa, trong thì giữ hơi, dao động thân người trước sau từ 2-6 cái, thở ra triệt để và cúi đầu chạm sàn, ép bụng đẩy hết hơi trọc ra ngoài.
  • Làm từ 10-20 hơi thở.

Chống chỉ định: Chấn thương vùng chậu, bụng dưới, lưng, chi, viêm khớp cấp.

+ Động tác nằm ngửa, khoanh tay ngồi dậy: Đây là động tác phòng và chống các bệnh do ứ trệ khí huyết vùng thắt lưng và vùng chậu, bệnh phụ nữ, bệnh hệ sinh dục, táo bón, viêm cơ thắt lưng, cơ chậu, cơ đùi, cải thiện bụng to, nhiều mỡ.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa trên sàn, duỗi thẳng chân.
  • Hít vào tối đa, đưa hai tay khoanh trước ngực, cố gắng từ từ ngồi dậy, cúi đầu hướng xuống chân hết sức, ép bụng thở ra triệt để.
  • Làm 3-5 hơi thở.

Chống chỉ định: Chấn thương vùng bụng, đau bụng cấp tính, ngoại khoa.

+ Chổng mông thở: Đây là động tác trị trĩ, sa trực tràng.

Cách thực hiện:

  • Quỳ trên hai gối, từ từ vươn người ra phía trước, hướng mông lên trần. Tiếp theo để hai cùi chỏ, hai cánh tay và trán, gối và đùi tạo thành một góc 90 độ.
  • Hít vào tối đa có trở ngại, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm) đồng thời giao động mông qua lại từ 2-6 cái.
  • Thở ra triệt để có ép bụng.
  • Làm 5-10 hơi thở. Có thể không giao động, chỉ thở vài hơi là được.

Chống chỉ định: Các bệnh cấp tính, tăng huyết áp.

- Day ấn huyệt: Day ấn các huyệt bách hội, trường cường, hội dương, túc tam lý, thừa sơn, khí hải, quan nguyên.

Cách thực hiện:

  • Dùng đầu ngón tay giữa hoặc ngón cái ấn lên huyệt.
  • Di động ngón tay theo đường tròn, mô ngón tay và da tiếp xúc không lướt lên nhau, vùng da di động theo chiều ngón tay.
  • Thời gian mỗi huyệt từ 3 đến 5 phút, một lần mỗi ngày.

3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh trĩ

- Bệnh nhân trĩ nên tránh các hoạt động yêu cầu thể chất cao, chẳng hạn như đẩy tạ, đá bóng, chạy nước rút hoặc chống đẩy, squat hay một số động tác như gập bụng cũng cần được hạn chế. Nguyên nhân do khi bạn tập luyện, cơ hậu môn sẽ căng ra vì áp lực sẽ tăng lên. Điều này dễ dàng khiến bệnh trĩ trở nên nặng hơn.

- Hầu hết các hoạt động trong phòng gym đều yêu cầu người tập phải vận động với cường độ mạnh và tăng dần theo thời gian. Khi đó, những hoạt động này không chỉ làm tăng áp lực lên vùng bụng, hậu môn mà còn có thể gây chảy máu và khiến búi trĩ nhô ra nhiều hơn.

Không chỉ các bài tập gym mà các hoạt động thể chất làm tăng áp lực lên hậu môn cũng không được khuyến khích đối với người mắc bệnh trĩ. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn theo đuổi bộ môn này thì cần chú ý đến cường độ luyện tập, bài tập.

- Thực hiện chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

- Thực hiện tốt chế độ ăn hạn chế cay nóng, uống rượu bia, thuốc lá.

- Tập cơ nâng hậu môn, vệ sinh sạch sẽ, mặc quần thoáng mát...

Mời bạn xem tiếp video:

Phần 5: Những đối tượng nào dễ mắc bệnh trĩ nhất? I SKĐS


BS. Nguyễn Phối Hiền
Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Cơ sở 3
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn