Hà Nội

Bác sĩ trẻ lấp 'khoảng trống nhân lực' ở vùng cao

05-01-2024 10:48 | Y tế
google news

SKĐS - Được đào tạo bài bản, ra trường với cơ hội rộng mở, nhiều bác sĩ trẻ không ngại khó khăn "bỏ phố về rừng" để giúp đỡ người dân nghèo khó nơi đây.

Sức trẻ vì bà con vùng khó

Tại Nghệ An, nhiều năm qua hệ thống y tế công lập của toàn tỉnh thống nhất từ tuyến tỉnh đến xã, phường, thị trấn, bên cạnh đó hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ ba của cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Bác sĩ trẻ lấp 'khoảng trống nhân lực' ở vùng cao- Ảnh 1.

Bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Tương Dương đang thăm khám cho người bệnh.

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa cân đối, đồng đều giữa các tuyến. Lực lượng bác sĩ, dược sĩ đại học và sau đại học tập trung nhiều ở tuyến tỉnh, còn tuyến y tế cơ sở vẫn gặp nhiều khoảng trống. Đặc biệt, tại nhiều trạm y tế, đơn vị đặc thù vẫn khó tiếp nhận nguồn nhân lực là các y bác sĩ. Tại một số đơn vị, cơ sở y tế tại các huyện vùng núi khó khăn thông báo tuyển dụng bác sĩ 2-3 lần nhưng không có hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Để khắc phục tình trạng trên, ngành Y tế Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tuyến cơ sở, như tăng cường việc tuyển dụng cũng như công tác đào tạo.

Từ năm 2020 đến nay, ngành Y tế địa phương này đã tuyển được 214 bác sĩ tuyến huyện và tuyến xã tuyển dụng được 12 bác sĩ…Cụ thể, tại huyện miền núi Kỳ Sơn, đã tuyển dụng được thêm 6 bác sĩ nâng tổng số bác sĩ lên con số 22, phủ kín 21/21 trạm y tế xã, thị trấn của huyện. Cũng trong 3 năm qua, huyện Quế Phong đã tuyển được 9 bác sĩ. Hiện nay, 13 trạm y tế xã, thị trấn đã có 15 bác sĩ công tác bền vững, lâu dài. Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Tương Dương, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu tuyển dụng được 5 bác sĩ…

Bác sĩ trẻ lấp 'khoảng trống nhân lực' ở vùng cao- Ảnh 2.

Tập thể các bác sĩ và lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tương Dương mổ nội soi cho bệnh nhân thủng dạ dày, chửa ngoài tử cung vỡ, u xơ tử cung.

Việc tuyển dụng được khá nhiều bác sĩ đã giúp cho các trung tâm y tế huyện miền núi thuận lợi trong việc bố trí nhân lực chất lượng cao tại đơn vị và các trạm y tế xã, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như làm tốt công tác dự phòng.

Từ thực tế, việc tuyển dụng các bác sĩ đã xuất hiện một xu thế mới, trái ngược hoàn toàn với trước đây. Nếu như các năm trước, việc tuyển dụng bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, trung tâm y tế, bệnh viện huyện ở khu vực miền núi rất khó khăn, thì nay, việc tuyển dụng đó lại khá thuận lợi.

Đổi thay dịch vụ chất lượng ở tuyến cơ sở

Theo Sở Y tế Nghệ An, sở dĩ các trung tâm y tế huyện miền núi thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng bác sĩ là do đời sống mọi mặt, trong đó, chất lượng giáo dục ở khu vực này ngày càng được nâng lên. Nhiều con em ở miền núi thi đậu vào các trường đại học y khoa. Các trung tâm y tế huyện tập trung tuyển dụng các bác sĩ đều là con em ở khu vực này.

Trung tâm y tế huyện Tương Dương có 4 bác sĩ của dự án 585 về làm việc, trong đó có 2 bác sĩ từ địa phương cử đi đào tạo, tiếp nhận 2 bác sĩ trẻ về tình nguyện tại đơn vị. Ông Vi Xuân Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho biết, các bác sĩ trẻ tham gia làm việc, sinh hoạt tại khoa, trực chuyên môn, trực tiếp khám chữa bệnh, tham gia hỗ trợ cấp cứu và triển khai các kỹ thuật chuyên môn được đào tạo. Các bác sĩ trẻ đã tham gia hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện cập nhật kiến thức về chuyên môn mới thông qua các buổi đi buồng bệnh tại khoa.

Bác sĩ trẻ lấp 'khoảng trống nhân lực' ở vùng cao- Ảnh 3.

Khoa hồi sức cấp cứu khám và điều trị cho bệnh nhân thở máy tại Trung tâm Y tế huyện miền núi Tương Dương.

"Đội ngũ bác sĩ trẻ tham gia dự án đã áp dụng các kiến thức chuyên môn được đào tạo, cập nhật vào khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh tại đơn vị công tác, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện nghèo được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới như thực hiện các kỹ thuật cao trong xét nghiệm, mổ nội soi…", bác sĩ Chiến cho biết thêm.

Bác sĩ trẻ Lỳ Bá Dì (sinh năm 1989) chia sẻ, về công tác tại tại khoa hồi sức cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Tương Dương từ năm 2016. Dù trong điều kiện khó khăn, nhưng các bác sĩ trẻ đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao, như đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân thở máy…

Cùng với đó, Trung tâm y tế huyện Tương Dương đã làm được 84 kỹ thuật, trong đó chuyển giao cho đơn vị 11 kỹ thuật, thực hiện theo phân tuyến 46 kỹ thuật, thực hiện theo chương trình đào tạo 27 kỹ thuật. Các kỹ thuật cao được các bác sĩ trẻ chuyển giao cho đơn vị sau khi đến công tác như, nhuộm và soi tươi tìm nấm, kí sinh trùng, xét nghiệm tế bào học sàng lọc sớm K cổ tử cung bằng nhuộm Giemsa, tìm ký sinh trùng sốt rét trong máu ngoại vi và xét nghiệm tế bào học chẩn đoán trong nước dịch sinh học (dịch não tủy, dịch màng phổi, dịch màng bụng, dịch khớp...) bằng phương pháp thủ công…

Còn các bác sĩ chuyên khoa ngoại đã làm được 44 kỹ thuật, trong đó chuyển giao cho đơn vị 2 kỹ thuật gồm: Phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa, phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng. Nhờ vậy, bệnh nhân được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên như Bệnh viện đa khoa tỉnh (Cách gần 200km).

Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều năm qua ngành Y tế Nghệ An đã và đang thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo theo Nghị quyết 157 ngày 12/12/2014 về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Quyết định số 01 ngày 06/01/2015 của UBND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, Nghị quyết 157 và Quyết định số 01 ra đời đã giúp cho ngành Y tế tỉnh này thu hút, đào tạo được nhiều bác sĩ, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo đại diện Sở Y tế Nghệ An, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đề xuất các cấp, ngành xem xét và sớm ban hành sửa đổi, áp dụng hệ thống thang, bảng lương và các chính sách đãi ngộ, thu hút đủ lớn để khuyến khích cán bộ y tế về làm việc, đặc biệt tại tuyến cơ sở, hệ dự phòng. Từ đó, đề xuất hội đồng nhân dân, UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo mạnh hơn để phát triển nguồn nhân lực ngành Y tế một cách bền vững, đặc biệt là y tế cơ sở…

Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn; đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế; tăng cường tổ chức các buổi giới thiệu việc làm để kết nối cung - cầu giữa sinh viên và cơ sở tuyển dụng nhân lực.

Y tế thôn bản Y tế thôn bản 'cánh tay nối dài' của ngành y tế với người dân

SKĐS - Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài của ngành y tế tại cơ sở; đóng góp lớn trong việc trực tiếp chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại các xã miền núi của tỉnh Nghệ An. Tuy khó khăn vất vả nhưng họ luôn nhiệt huyết, yêu nghề, băng rừng vượt suối đem sức khỏe đến với người dân.


Hoàng Trinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn