Hoạt động vì cộng đồng
Anh Nguyễn Xuân Th., Trưởng nhóm LGBT Thanh Hóa (quan hệ đồng giới) cho biết, nhóm được hình thành từ năm 2013, ban đầu, chỉ có một vài thành viên, hoạt động chủ yếu là tự lực và bí mật. Đến năm 2017, tỉnh Thanh Hoá triển khai chiến dịch 90-90-90, cơ duyên đến khi anh Th. tiếp xúc với các cán bộ thuộc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hoá, được tiếp cận các chương trình về dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai tại tỉnh Thanh Hóa và từ đó nhóm do anh Th. thành lập đã hình có một hướng đi mới, hướng tới hỗ trợ can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới.
Từ tháng 4 năm 2019 đến nay, nhóm LGBT Thanh Hóa được Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ; Kể từ thời điểm đó, anh Th. đã phát triển nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và đến năm 2023, nhóm đã có tới hơn 40 thành viên nòng cốt tham gia.
Anh Th. chia sẻ, hoạt động chính của nhóm là tiếp cận, giúp đỡ những người nhiễm HIV và các đối tượng nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ trong phòng và điều trị HIV, đồng thời giúp đỡ nhiều người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn.
"Công việc chính của nhóm là tìm kiếm ‘khách hàng’, sau đó hỗ trợ các bạn có nguy cơ nhiễm HIV cao thực hiện các dịch vụ xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, cung ứng bao cao su, chất bôi trơn… Trong vài năm trở lại đây, nhóm khách hàng mà chúng tôi tiếp xúc nhiều nhất là các bạn nam có quan hệ tình dục đồng giới, sau đó đến gái mại dâm, người nghiện ma túy. Ngoài những nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV kể trên, nhóm còn hỗ trợ tư vấn, giúp đỡ người thân, bạn bè, họ hàng và người trong gia đình của họ.
Theo ước tính sơ bộ thì sau 6 năm hoạt động kín và 4 năm hoạt động công khai, thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng nhóm đã phát hiện và giúp hàng trăm người đã nhiễm HIV biết được trình trạng nhiễm HIV của mình. Đồng thời tư vấn, vận động những người này đến tiếp cận, điều trị ARV tại các cơ sở điều trị toàn tỉnh; bên cạnh đó, nhóm cũng đã tư vấn, giới thiệu cho hàng nghìn người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV", anh Th. chia sẻ.
Trong năm 2020 và 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực trong tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện giãn cách, nhóm đã chủ động xây dựng fanpage riêng để thực hiện tư vấn qua điện thoại qua Facebook, Zalo… cho các bệnh nhân và người có nguy cơ cao nhiễm HIV.
Những hy sinh to lớn
Trong suốt 10 năm hoạt động, có rất nhiều trường hợp cần giúp đỡ đã để lại cho anh Th. vô số ấn tượng sâu sắc. Điển hình nhất là vào năm 2017, khi nhóm vừa được đào tạo tập huấn về can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa xong thì nhận được thông tin một bạn nữ gần 30 tuổi, đang làm việc trong cơ quan nhà nước nhắn tin đến fanpage để liên hệ làm xét nghiệm.
Khi gặp bạn nữ này, anh Th. nhận thấy bạn ấy có gương mặt hiền lành, tâm lý nhút nhát và ngại nói chuyện với người lạ. Đánh giá ban đầu, anh nghĩ bạn ấy chỉ thuộc nhóm có nguy cơ cao chứ khó lòng bị nhiễm HIV được. Tuy nhiên, sau khi thực hiện xét nghiệm bằng sinh phẩm xét nghiệm sàng lọc HIV, anh Th. ngỡ ngàng khi bạn nữ có kết quả xét nghiệm sàng lọc dương tính với HIV. Để có kết quả chính xác, nhóm đã giới thiệu bạn nữ này đến làm xét nghiệm khẳng định tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS.
Cầm kết quả trên tay, bạn nữ suy sụp, khóc nức nở và nói bản thân sẽ chết để tránh điều tiếng và giải thoát cho bản thân. Sau nhiều ngày cố gắng liên lạc, nhóm của anh Th. vẫn không nhận được phản hồi từ phía bạn nữ. Tưởng chừng mọi việc đã đi vào ngõ cụt nhưng trong một buổi tối nọ, bạn nữ chủ động gọi đến tâm sự với anh Th., từ đó được thuyết phục để đi đến bệnh viện chữa bệnh.
Quá trình điều trị, bạn nữ có rất lo lắng, sợ lộ lọt thông tin khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp biết. Nhưng sau cùng, qua 6 năm điều trị, bạn ấy đã thay đổi, thoải mái hơn, dám chia sẻ thông tin với mọi người, những chỉ số về điều trị rất là tốt.
Để giành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động hỗ trợ người bị nhiễm và đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV, năm 2020, anh Th. đã xin nghỉ việc tại siêu thị trên địa bàn để chuyển sang làm công việc tự do. Dù dành nhiều thời gian cho công việc cộng đồng nhưng theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa, mức kinh phí hỗ trợ cho các thành viên CBO (các tổ chức dựa vào cộng đồng) vẫn đang là quá ít, nếu làm tích cực, dành 50% quỹ thời gian mỗi ngày thì số tiền thu về mỗi tháng chỉ khoảng 2,5tr, không đủ để chi tiêu, sinh hoạt chứ chưa nói đến thực hiện các hoạt động mà CDC yêu cầu.
Theo anh Phạm Hữu Hà – Cán bộ Khoa phòng chống HIV/AIDS thuộc CDC Thanh Hóa cho biết: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 nhóm hoạt động xã hội giúp đỡ người bị nhiễm, có nguy cơ nhiễm HIV chính, đó là nhóm LGBT Thanh Hóa và nhóm Búp Sen xanh.
Từ tháng 4/2019 đến nay, các nhóm CBO do dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ bắt đầu chính thức đi vào hoạt động bài bản với 25 thành viên nòng cốt. Các thành viên trong nhóm được tham gia tập huấn, đào tạo từ qui trình tiếp cận cộng đồng dự phòng lây nhiễm HIV, cách thức tiếp cận; cập nhật ghi chép sổ sách, báo cáo; cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV (lấy máu đầu ngón tay – đào tạo, tập huấn về tư vấn, xét nghiệm HIV cấp chứng nhận); truyền thông nhóm; hướng dẫn về chuyển gửi khẳng định HIV/AIDS, điều trị ARV, điều trị PrEP….
Tính từ năm 2021 đến tháng 10/2023, các nhóm CBO đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm tại cộng đồng cho hơn 9.000 khách hàng, từ đó phát hiện hơn 140 ca dương tính để giới thiệu điều trị dự phòng HIV. Ngoài ra, các nhóm còn giới thiệu gần 2.000 khách hàng tham gia chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) – giúp cho hoạt động PrEP tỉnh Thanh Hóa đạt trên 95% kế hoạch.
"Nhóm LGBT Thanh Hóa do anh Nguyễn Xuân Th. làm trưởng nhóm đã giúp cho CDC thực hiện tốt công tác giảm thiểu lây nhiễm HIV đặc biệt là nhóm nam sinh hoạt tình dục đồng giới. Các bạn đã vượt qua rất nhiều khó khăn âm thầm cống hiến. Nếu không có tấm lòng vì cộng đồng không thể làm được", anh Hà chia sẻ thêm.