Anh hùng Phạm Tuân: Trở thành phi công là 90% may mắn

07-08-2021 10:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - “Bầu trời cho mình những cơn gió mát, những cơn mưa. Và chính vì thế nó trở thành hơi thở, bầu tâm huyết của mỗi con người chúng ta”, Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân - người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ chia sẻ.

Chương trình Quán thanh xuân tháng 8, phát sóng lúc 20h50 ngày 7/8 trên VTV1 là hành trình ký ức về bầu trời, với sự góp mặt của những khách mời đặc biệt: Anh hùng – Trung tướng Phạm Tuân, NSND Lê Khanh, nhà thơ Hữu Việt, ông Phạm Huy Vận – nguyên Đoàn phó Đoàn bay 919 với chủ đề "Ký ức bầu trời".

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 1.

MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn cùng các khách mời tham gia chương trình Quán thanh xuân tháng 8, chủ đề Ký ức bầu trời

Anh hùng Phạm Tuân: May mắn trở thành phi công, tự hào khi bay vào vũ trụ

Ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Liên Xô Viktor Vassilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37. Phạm Tuân chính là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Ông đại diện cho thế hệ thanh niên Việt Nam thực hiện được mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 2.

Trung tướng Phạm Tuân cùng MC Diễm Quỳnh, Anh Tuấn

Xuất hiện trong Quán thanh xuân chủ đề "Ký ức bầu trời", Trung tướng Phạm Tuân kể về những ngày tháng xưa và ký ức đẹp đẽ của thời trẻ, đặc biệt câu chuyện gắn với bầu trời.

Trung tướng Phạm Tuân sinh ra ở đồng bằng Bắc Bộ, "thời chiến đài báo không có nên có biết gì đâu". Sau đó Phạm Tuân đi khám để làm phi công, nhưng không trúng tuyển vì mắt kém, cùng với đó ông bị loạn nhịp tim. Phạm Tuân sau đó đi học thợ máy. 

Nhưng tháng 11/1965, tôi sang Liên Xô đang mùa lá vàng rơi, đi trên đường gặp rất nhiều phi công người Việt, trên mình mặc trang phục rất nhiều túi, xúng xính trong cặp da rất đẹp. Tôi khi ấy ngưỡng mộ họ ghê gớm lắm. Tôi thầm ước giá như chỉ được ngồi trên máy bay một lần thôi rồi xuống cũng được, không cần trở thành phi công, Trung tướng Phạm Tuân cho biết.

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 3.

Cuộc đời tôi thành phi công là 90% may mắn, còn lại là ở bản thân mình. May mắn thì luôn đến với mọi người, nhưng ai tận dụng được cơ hội và sự may mắn để khai thác, làm chủ được nó thì mới thực hiện được.

Sau đấy vì nhiều lý do, trong đó phi công của ta gửi sang Liên Xô học trượt nhiều, thế là họ "khảo cổ" những thợ máy. Rất may vì thời điểm ấy Phạm Tuân lại chọn và phía Liên Xô cho ông đi lái máy bay. Ngày bắt đầu làm quen với máy bay, Trung tướng Phạm Tuân cho biết ông bay loại "phọt phẹt" nhất với tốc độ chỉ hơn 100km/giờ, sau rồi dần dần bay lên đến Mic. Ông tập luyện 18 tháng để bay vào vũ trụ

Đợt bay vào vũ trụ, theo Trung tướng Phạm Tuân, bên Liên Xô yêu cầu ta gửi sang 4 người nhưng tuyển ở Việt Nam chỉ có 3. Thế là mọi người bảo ông vào luôn cho đủ… đội hình. Thế nên tôi trở thành phi công là ngẫu nhiên. Mình muốn làm phi công lắm nhưng không đủ tiêu chuẩn nên chẳng dám mơ. Nhưng mọi thứ cứ đến, đến thì làm được. Cuộc đời tôi thành phi công là 90% may mắn, còn lại là ở bản thân mình. Song may mắn luôn đến với mọi người, nhưng ai tận dụng được cơ hội và sự may mắn để khai thác, làm chủ được nó thì mới thực hiện được. Không thể nói may mắn rồi để đấy và nó trôi qua, Anh hùng Phạm Tuân chia sẻ.

Đối với Trung tướng Phạm Tuân, bầu trời gắn với ông từ thời ấu thơ, đến khi trưởng thành và với ông là được nhìn bầu trời từ vũ trụ. Ông tự hào là người đầu tiên cầm cờ Việt Nam, đem Tuyên ngôn độc lập, hình ảnh Bác Hồ vào vũ trụ. Trung tướng Phạm Tuân nhấn mạnh, điều đó cho thấy người Việt Nam có thể chinh phục bầu trời, phục vụ cho mục đích hòa bình. Nhưng để có được niềm tự hào và vinh quang ấy, Trung tướng Phạm Tuân cho biết bản thân cũng đã không ngừng nỗ lực, học hỏi để thể hiện trí tuệ con người Việt Nam. Có thể chúng ta kinh tế còn chưa bằng nhiều nước nhưng con người Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia nào, ông khẳng định.

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 4.

Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatko. Ảnh: Tư liệu

Vẫn theo Trung tướng Phạm Tuân, bay trên không nhưng chẳng thấy bao giờ cô đơn cả. Cũng một bầu trời nhưng trong chiến tranh thì bầu trời đấy lại khác. Bay lên trời là quay ngược quay xuôi, quay trái quay phải xem địch ở đâu, có đám mây nào che chở mình không, có đám mây nào địch đang lợi dụng để hạ mình. Nghĩa là mỗi một cấp độ, mỗi thời điểm thì bầu trời với con người để lại một ý thức khác nhau.

Nhưng trên là trời, dưới là đất. Chúng ta sống trên mặt đất thì luôn luôn ngưỡng vọng bầu trời của mình, làm sao nó luôn trong xanh, luôn hòa bình. Bầu trời cho mình những cơn gió mát, những cơn mưa. Và chính vì thế nó trở thành hơi thở, bầu tâm huyết của mỗi con người chúng ta. Không ai không nghĩ sâu sắc và ai cũng đều yêu mến bầu trời của đất nước, quê hương mình.

Bầu trời tuổi thơ của nghệ sĩ

Góp mặt tại Quán thanh xuân tháng 8, NSND Lê Khanh cho biết, ngày xưa thường được bố dỗ dành ăn cơm, rồi cho đi tàu bay… giấy, Lê Khanh thích lắm. Chị cho biết, tàu bay giấy với tuổi thơ không còn là giấy, là máy bay giả vờ, trò chơi mà là niềm hy vọng. "Niềm tin của trẻ con về một cánh bay, bay cao bay xa về một điều gì đó tốt đẹp", NSND Lê Khanh chia sẻ.

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 5.

NSND Lê Khanh cho biết, ngày xưa thường được bố dỗ dành ăn cơm, rồi cho đi tàu bay… giấy

Nhà thơ nhà báo Hữu Việt (con trai nhà văn Hữu Mai) cho biết cha mình có nhiều bạn là lính không quân. Ngoài ra cha của Hữu Việt còn là người được lính không quân tin cậy, nên ông được nghe nhiều tâm sự, câu chuyện họ kể. Thậm chí, nhiều người lính không quân còn tin cậy giao cho cha tôi hộp sắt, trong đó đựng những kỷ vật của người lính đó, kể cả thư tình. Đấy cũng chính là những chất liệu để sau này cho cha tôi viết cuốn Vùng trời, nhà thơ Hữu Việt tâm sự. Với nhà thơ Hữu Việt, bầu trời của tuổi thơ cũng là những dấu ấn khó phai mờ.

Tôi sinh ra ở khu Nam Đồng. Thời bé thì bầu trời với tôi khá nhỏ hẹp. Tôi thật sự ấn tượng với bầu trời khi đi sơ tán lần thứ hai, khi ấy mới 8 tuổi. Lúc đó lũ trẻ con chúng tôi chạy ra đồng, mót lúa, đi bắt cua.

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 6.

Nhà thơ Hữu Việt cho biết cha mình có nhiều bạn là lính không quân

Tôi nhớ đến cuối 1972, nghe tin đài báo Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, thế là tôi nhảy lên một chiếc xe đò, đến bến xe Kim Liên thì mới nhận ra một bầu trời rất khác. Lúc đó tất cả những ngôi nhà bên phía tay trái phố Khâm Thiên sụp đổ hết.

Ngày ấy tôi chỉ nghe địch định đánh vào khu tập thể Nam Đồng, nhưng do lạc tọa độ, vị trí gì đó nên lại đánh nhầm sang khu phố Khâm Thiên. Khung cảnh khói lửa, nhà đổ, người quỳ khóc, đào bới ở Khâm Thiên khi ấy mới là bầu trời thực của thế hệ chúng tôi. Anh Hữu Việt xúc động kể về bầu trời tuổi thơ của mình.

Tôi rất ngưỡng mộ các anh phi công. Chính vì ngưỡng mộ những người lính phi công mà tôi cố tình làm sai bài trong một cuộc thi trên tỉnh. Nếu tôi đem câu chuyện Tắt đèn ra phân tích thì sẽ đúng với yêu cầu đề ra, nhưng tôi lại tóm tắt lại toàn bộ cuốn tiểu thuyết Một người chân chính về một phi công ở Liên Xô cũ. Thời kỳ ấy nếu Phạm Tuân nổi tiếng như bây giờ thì chắc chắn là người thứ hai sau anh phi công ở Liên Xô mà tôi đã ngưỡng mộ.

Cha tôi đăng ký cho tôi thi vào trường không quân, thế là tôi trúng tuyển. Có hai giai đoạn tôi mang trên mình bộ quân phục không quân nhân dân Việt Nam, sau đó là mặc sắc phục Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đến khi về hưu là 41 năm, ông Phạm Huy Vận – nguyên Đoàn phó Đoàn bay 919

Ngoài những câu chuyện kể trên, các khách mời trong chương trình còn chia sẻ thêm nhiều kỷ niệm khác về bầu trời gắn với cuộc đời mình.

Cùng với đó, "Ký ức bầu trời" còn đem đến cho khán giả những ca khúc ấn tượng, đặc sắc về người phi công, về bầu trời, đất nước qua phần thể hiện của những giọng ca nổi tiếng: Thanh Lam, Tố Hoa, Dương Hoàng Yến...

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 9.

Bay vào ngày xanh qua tiếng hát Thanh Lam

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 10.

Dương Hoàng Yến hát Tình theo cánh sóng

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 11.

Xin chào Việt Nam, thể hiện Bùi Hà My - Trịnh Nhật Minh

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 12.

Giấc mơ bầu trời ( I dreamed a dream ) do ca sĩ Đỗ Tố Hoa thể hiện

Anh hùng Phạm Tuân: Ai cũng yêu bầu trời của đất nước, quê hương - Ảnh 13.

Mashup Chong chóng gió, Em yêu anh phi công do Tốp thiếu nhi Trung tâm nghệ thuật MUSE biểu diễn


Hoa Quỳnh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn