Hai nhà du hành vũ trụ đã chia sẻ nhiều điểm tương đồng thú vị khi cả hai cùng phục vụ trong chiến tranh Việt Nam với tư cách là phi công, cùng thám hiểm không gian với tư cách là nhà du hành vũ trụ và đều trở thành tướng trong cuộc đời quân ngũ của mình.
Anh hùng Phạm Tuân chụp ảnh chung cùng phi hành gia Thiếu tướng Charles Bolden và Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink.
Chuyến thăm của Thiếu tướng Charles Bolden, cựu Giám đốc NASA tới Việt Nam trùng với dịp kỷ niệm 50 năm ngày con người có chuyến đổ bộ đầu tiên lên Mặt trăng. Nhà du hành vũ trụ Hoa Kỳ kiêm chỉ huy tàu Apollo 11, Neil Armstrong đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 21/7/1969. Đặc phái viên Charles Bolden nhấn mạnh thành tựu này trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Hoa Kỳ của Đại sứ quán Hoa Kỳ, đặt ra thách thức tiếp tục truyền thống thám hiểm và sẵn sàng mạo hiểm nhưng trong khuôn khổ hợp tác hòa bình.
Ông cho biết: “... Chúng tôi tìm kiếm các đối tác mạnh mẽ và đầy cam kết như Việt Nam. Cũng như chúng tôi, chương trình vũ trụ của các bạn phản ánh khát vọng của một quốc gia và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong quá trình khám phá, điều khiến người Mỹ chúng tôi rất ngưỡng mộ".
Với tư cách là Đặc phái viên khoa học về vũ trụ của Hoa Kỳ, Thiếu tướng Charles Bolden, Jr., đã đi khắp thế giới để thúc đẩy quan hệ đối tác khoa học và công nghệ song phương trong lĩnh vực khám phá vũ trụ với trọng tâm là các cơ hội thương mại trong không gian.
Thếu tướng Bolden từng là Giám đốc thứ 12 của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), giữ chức vụ giám sát để đảm bảo quá trình chuyển đổi an toàn từ 30 năm thực hiện sứ mệnh Tàu con thoi sang kỷ nguyên khám phá mới tập trung vào việc sử dụng tối đa Trạm Vũ trụ Quốc tế và phát triển công nghệ hàng không và vũ trụ.
Anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Thiếu tướng Charles Bolden
Trong 34 năm phục vụ trong Lực lượng Thủy quân Lục chiến của Hoa kỳ, Thiếu tướng Bolden đã có 14 năm là thành viên của Văn phòng Phi hành gia NASA. Trong khoảng thời gian từ năm 1986-1994 ông đã du hành lên không gian 4 lần bằng tàu con thoi, trong đó có 2 lần trong vai trò chỉ huy và 2 lần trong vai trò phi công.
Thiếu tướng Bolden cho biết, "Tôi rất vinh dự khi có dịp trở lại Hà Nội. Tôi đã từng đến Hà Nội một lần với tư cách là giám đốc NASA và tôi rất vui khi trở lại lần này với tư cách là Đặc phái viên khoa học về vũ trụ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tuần này tôi có mặt ở đây để thúc đẩy khám phá và thương mại hóa vũ trụ cũng như hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ.”
Đặc phái viên Bolden trước tiên gặp mặt Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Giáo sư Châu Văn Minh. Sau đó, ông có cuộc gặp với lãnh đạo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) và Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) để thảo luận về các chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và phát triển các chương trình vũ trụ, xây dựng các viện bảo tàng, giáo dục cho sinh viên và các thành viên trong cộng đồng cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác với Hoa Kỳ. Tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Thiếu tướng Bolden đã có một bài phát biểu truyền cảm hứng về các cơ hội nghề nghiệp trong khoa học và công nghệ vũ trụ tới các sinh viên và giảng viên của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) và Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU).
Trong một chuyến thăm khác tới khu công nghệ cao Hòa Lạc ở ngoại thành Hà Nội, Thiếu tướng Bolden khuyến khích các cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vũ trụ khi nói chuyện với các học sinh trung học phổ thông tại cung thiên văn mới của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Tại đây, lãnh đạo trung tâm đã mời Thiếu tướng Bolden thăm quan tòa nhà bên cạnh cung thiên văn, nơi sẽ được sử dụng làm bảo tàng vũ trụ của trung tâm.
Tại Trung tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội, Thiếu tướng Bolden đã có bài nói chuyện về thám hiểm vũ trụ với sinh viên và những chuyên gia trẻ. Họ cũng có cơ hội trải nghiệm vũ trụ thông qua công nghệ thực tế ảo.