Diễm Quỳnh, cô ấy là MC Giời sinh

02-01-2017 08:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi luôn nghĩ Ðặng Diễm Quỳnh sinh ra để làm MC (người dẫn chương trình). Giọng nói truyền cảm hứng, đôi mắt biết cười và cả biết khóc, khả năng lắp ghép thoăn thoắt những ngôn từ đẹp...

Tôi luôn nghĩ Ðặng Diễm Quỳnh sinh ra để làm MC (người dẫn chương trình). Giọng nói truyền cảm hứng, đôi mắt biết cười và cả biết khóc, khả năng lắp ghép thoăn thoắt những ngôn từ đẹp để làm thành những câu văn đẹp, có chiều sâu. Rồi thì kỹ năng ứng biến linh hoạt, tự chủ trước đám đông…

Chỉ cần trong nhà có tivi, khán giả gần xa ắt quen mặt biết tên MC xinh đẹp này. Dĩ nhiên là khán giả có thể không biết hầu như năm nào các chương trình đặc biệt của Đài Truyền hình Việt Nam do chị làm MC kiêm phụ trách cả một êkíp hùng hậu… đều giành những giải thưởng khiến người làm nghề nào cũng tự hào. Như là giải B Giải báo chí quốc gia 2015 cho Cầu truyền hình Tổ quốc nhìn từ biển và 2016 cho Hoài bão Hồ Chí Minh. Rồi gần nhất là Huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2016 cho chương trình Tết nghĩa là hy vọng… Dĩ nhiên là chị còn làm nhiều công việc đằng sau màn hình. Nhưng chỉ cần mỗi năm có một từ khóa gắn với tên mình đọng lại trong lòng khán giả như vậy, tôi nghĩ chị hoàn toàn có thể mỉm cười hài lòng. Nhất là giữa cái thời mà khán giả - người thụ hưởng có biết bao nhiêu là lựa chọn nghe - nhìn thú vị.

Năm 2016 đã khép lại thật đẹp với Diễm Quỳnh cùng với từ khóa Giai điệu tự hào - một chương trình nhạc đỏ mà không hiếm…  fan cuồng. Lâu rồi mới có một chương trình âm nhạc do VTV sản xuất mà khán giả hào hứng xin vé từ trước khi show diễn ra cả tháng và sẵn sàng ở lại đến tận khi kết thúc vào gần nửa đêm. Và chương trình nào cũng phải từ chối bớt khán giả hâm mộ bởi trường quay S14 không đủ ghế, đó là ghi nhận của các phóng viên mảng văn hóa văn nghệ. Bởi thế, cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng chủ yếu xoay quanh điểm nhấn âm nhạc 2016 này.MC Đặng Diễm Quỳnh

MC Đặng Diễm Quỳnh. Ảnh: Nguyễn Chí Thanh

Từ chương trình đầu tiên - Khởi hành, một phép thử rón rén, như thể nhúng một chân vào vùng cấm để rồi nhận về những phản hồi rất khác nhau, đến nay, Xuân và tuổi trẻ - tháng 12 rồi Gala dành cho Tết con gà, vẻ như đã khiến mọi người yên tâm hẳn về một phiên bản Giai điệu tự hào 2016?

Tôi rất thích cái tên Khởi hành - chúng tôi bắt đầu đi và lúc đó chưa thực sự biết sẽ đi đến đâu. Khi Tổng giám đốc Trần Bình Minh giao việc, với chúng tôi đó là một thử thách. Báu vật quốc gia, format gốc của Giai điệu tự hào là một chương trình nổi bật và thành công vang dội liên tục trong 4 năm 2009-2013 của Đài truyền hình Nga. Đánh thức lịch sử bằng âm nhạc, họ đã khiến cả thế hệ già và trẻ đều tự hào về sự vĩ đại của nước Nga, khơi dậy lòng kiêu hãnh. Việt Nam có sự tương đồng, âm nhạc của ta có dòng chảy song song với lịch sử. Mặc dù đã quen làm những chương trình chính luận nghệ thuật có sử dụng âm nhạc như một thủ pháp nghệ thuật, với chúng tôi, tất cả vẫn là một thế giới cần khám phá từng chút một. Mùa thứ ba của Giai điệu tự hào sẽ được nhận diện thế nào đây, khi mùa thứ nhất và thứ hai cũng đã tạo được tiếng vang.

Ngay số đầu tiên, đã có nhiều khen chê. Đài truyền hình quốc gia mà  cả gan giới thiệu Phạm Duy bên cạnh Văn Cao, trong định kiến vẫn là thuộc phe bên này - bên kia! Chương trình được xây dựng trên cơ sở câu chuyện cảm động về tình bạn của nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy. Mỗi người một con đường, mỗi người một số phận nhưng họ gặp nhau ở niềm đam mê âm nhạc, nỗi lòng với quê hương, đất nước. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha - một người đã sống sâu, sống lâu trong giới âm nhạc đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều. Mọi sự đột phá đều không thể thong dong như khi ta lướt trên một con đường bằng phẳng. Nhưng nếu bước qua định kiến được một lần thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản. Vả lại chính bài hát sẽ chinh phục khán giả, chứ không phải là những yếu tố ngoài âm nhạc.

Như vậy là ban đầu hành trình mới này cũng khiến chị chông chênh?

Phải, chông chênh. Và chắc là khó quên lắm. Nhưng chính khán giả đã làm cho chúng tôi yên tâm và tự tin. Số người ủng hộ chương trình gai góc này đông hơn.

Theo chị, chương trình níu khán giả bởi điều gì? Nếu như là những ca khúc nhạc tình - nhạc đỏ thì bản thân VTV cũng đã có Những bài hát còn xanh, Bài ca không quên

Tấn công trực diện vào cảm xúc của khán giả, hẳn là thế rồi. Cái khó nhất là tìm ra từ khóa cảm xúc của mỗi số, còn sau đó, cảm xúc sẽ dẫn dắt. Có khi từ khóa cảm xúc chính là bài hát chủ đề của chương trình, có khi không. Bởi thế mới có Những trang viết còn lại, xong lại có Bám biển quê hương (Phạm Tuyên), Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), Đi qua vùng cỏ non (Trần Long Ẩn)…

Chúng tôi xây dựng chương trình theo mô hình bậc tam cấp. Bậc đầu tiên sẽ là các phóng sự, tạo nền cho bài hát khiến người xem đạt tới điểm 5-6 của cảm xúc. Tiếp theo, khi thưởng thức ca khúc - đạt 7-8 điểm. Cuối cùng, những câu chuyện thú vị xung quanh số phận của bài hát đó, những nhận xét mang tính chuyên môn của Hội đồng bình luận sẽ chốt cảm xúc của khán giả ở mức cao nhất. Nhiều nhạc sĩ mang đến chương trình những câu chuyện lần đầu tiên tiết lộ về số phận của bài hát. Nhiều thông tin bấy lâu chỉ là của riêng, bây giờ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha mới đem ra đãi công chúng yêu âm nhạc. Đó là những điều khiến chương trình trở nên độc đáo.

Có bạn đọc báo chúng tôi nói rằng, vẻ như phiên bản 2016 ít cãi nhau hơn hai mùa trước?

Với quan niệm riêng của tôi, âm nhạc mang tính massage cho tâm hồn. Người Việt mình vốn yêu âm nhạc nhưng để người ta có thêm lý do để yêu một bài hát thì rất cần một sự dẫn dắt mang tính tâm tình. Cãi vã, thậm chí miệt thị để tôn vinh một giá trị - không phải là định hướng của chúng tôi. Mỗi ca khúc hay được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Qua âm nhạc, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét. Trong những năm tháng xưa cũ ấy, từ chủ thể nhỏ bé đến những chứng tích lớn lao đều được đặt ngang hàng nhau, được ngợi ca, vinh danh như những điều đã làm nên sức mạnh, điểm tựa tinh thần cho cả một dân tộc.

Hội đồng bình luận chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội. Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên những cuộc đối thoại, phản biện có khi tương đồng nhưng cũng có lúc mâu thuẫn. Nhưng nhờ có thế nhân sinh quan, những vấn đề tưởng cũ nhưng lại rất mới của thời đại được nêu bật. Có tranh luận, có phản biện - chương trình sẽ nóng. Nhưng vừa đủ, hài hòa cũng là quan điểm của chúng tôi - những người sản xuất chương trình.

Chị vừa nói tới hai chữ cảm xúc. Quả là khán giả cũng nhìn thấy rất rõ sự xúc động của Diễm Quỳnh và Anh Tuấn khi dẫn chương trình này. Cảm xúc có ý nghĩa thế nào khi bạn là một người dẫn chương trình?

Thực sự là có những số chúng tôi đã bị xúc động mạnh từ lúc làm kịch bản cho tới tận khi dẫn ở trường quay. Có khi xem bản demo (bản thử) tôi đã khóc. Khi mình cảm động thì sẽ dễ lôi kéo cảm xúc của khán giả hơn là mình diễn lại cái mà người khác cảm động, phải thế không? Có những lúc chúng tôi phải tiết chế chính tình cảm của mình trong lúc dẫn, cái này là kỹ năng nghề nghiệp. Nếu không cũng có thể đẩy khán giả tới chỗ hoang mang.

Theo quan sát của chúng tôi, khán giả lõi của Giai điệu tự hào là lớp trung niên. Nhưng họ cũng không áp đảo những người trẻ, nhìn vào hàng ghế khán giả là thấy. Thế nhưng vẫn có định kiến là chương trình không dành cho thế hệ trẻ?

Các thế hệ đều có cảm xúc với âm nhạc. Âm nhạc thì không có tuổi. Vấn đề là ta dùng chìa khóa nào mà thôi. Bằng cách nào đó mà mở được cánh cửa tâm hồn của người ta. Tác phẩm đích thực bao giờ cũng có độ loang giữa ký ức - hiện tại. Ai chẳng đã từng sống rất trẻ. Làm thế nào để người trẻ hôm nay hiểu về cái thời trẻ của những người già? Chỉ còn cách bước vào vùng loang đó, xóa mờ thành kiến rằng đây là lĩnh vực chỉ dành cho một số đối tượng nhất định bằng cách tìm ra tâm cảm giao thoa nhau giữa các thế hệ.

Hiển nhiên là những ca khúc ấy sẽ phù hợp với một đội ngũ những người làm chương trình… già già. Họ sẽ dễ dàng thẩm thấu tác phẩm hơn, hiểu ý của đạo diễn chương trình hơn?

Ngược lại, êkíp của chúng tôi ngoài một số ít áp 7X như Giám đốc âm nhạc Trần Thanh Phương, biên tập hậu kỳ Nguyễn Hữu Chiến Thắng thì các đạo diễn Cao Trung Hiếu, Trần Lê Minh và phần đông các bạn thuộc lứa 8X đời cuối, có bạn sinh năm 92. Phóng viên trẻ làm phóng sự trẻ trung hơn. Điều mà chúng tôi hướng tới đó là hình pháp báo chí, bằng kỹ năng tác nghiệp hình ảnh của truyền hình sẽ đưa được nhiều câu chuyện còn ẩn sau mỗi bài hát nổi tiếng. Con mắt trẻ sẽ thấy những điều bất ngờ, thậm chí choáng ngợp. Và điều đó tạo sự xúc động riêng, những bâng khuâng không hề mặc định.

Cảm ơn chị và chúc chị tiếp tục có những thành công mới trong nghề nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống!


Hạ Phương
Ý kiến của bạn