Ngày 6/2/2019 (tức ngày mồng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), các bác sĩ cấp cứu ở một bệnh viện tại Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhân H.Đ.T, 31 tuổi (trú tại xã Ca Đình – Đoan Hùng – Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau bụng, sốt nhẹ và khó chịu.
Ngay sau đó bệnh nhân được các bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả nội soi thực quản dạ dày cho thấy có dịch dạ dày, xuất huyết dưới niêm mạc đặc biệt mặt sau có dị vật găm vào thành dạ dày gây phù nề xung quanh.
Các bác sĩ đang tiến hành lấy dị vật cho bệnh nhân.
Ngay lập tức bệnh nhân T. được e kíp trực của Bệnh viện tiến hành nội soi cấp cứu gắp dị vật, trong khoảng 30 phút các y bác sĩ đã gắp thành công dị vật là đoạn dây thép có kích thước 3 – 4cm nằm trong dạ dày.
Bệnh nhân hiện đã khỏe, cảm giác dễ chịu, mạch huyết áp, hô hấp ổn định và được ra viện ngay trong sáng nay.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 30 tháng chạp gia đình có làm vài mâm cơm tất niên đặc biệt có món gà nướng. Khi làm gà có sử dụng một số vật dụng là dây thép làm chặt con gà để nướng cho dễ, khi đặt lên mâm còn sót đoạn dây thép và không may anh T. đã ăn phải. Đến lúc cảm thấy khó chịu và đau bụng người nhà đã đưa anh T. đến Bệnh viện khám.
Mảnh dây thép sau khi được các bác sĩ nội soi và gắp thành công.
Theo các bác sĩ, trong dịp Tết, người dân cần cẩn thận trong ăn uống, đề phòng với các vật dụng có kèm trong thức ăn, các thức ăn cứng và có nhiều xương, vì rất dễ bị hóc dị vật, hóc xương, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Theo Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thu Thư - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, với các bệnh nhân bị hóc dị vật, nhất là bệnh nhân bị hóc xương khi đến viện thường mắc các tổn thương ở mức độ khác nhau và cách thức điều trị cũng tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của bệnh nhân. Đối với trường hợp bệnh nhân bị hóc xương thông thường, nếu ở mức tổn thương nhẹ, xương cắm vùng họng, sẽ tiến hành nội soi gắp ra.
Trường hợp ca bệnh nặng hơn, xương mắc dưới thực quản, lồng ngực, bệnh nhân đến điều trị muộn khi đã áp xe vùng trung thất, tổn thương thực quản. Lúc này cần tiến hành gây mê, mổ nội soi, điều trị cần nhiều thời gian hơn, bệnh nhân không tự ăn được mà phải xông dạ dày, chỉ định kháng sinh liều cao.
Các bác sĩ cho biết, trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp, bệnh nhân rất chủ quan, nghĩ hóc xương là chuyện nhỏ, tự chữa mẹo bằng các phương pháp truyền miệng, không có cơ sở khoa học nên dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như áp xe, ngưng tim, thậm chí tử vong. Chỉ một sơ suất trong ăn uống, cộng thêm với sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người bệnh có thể gây nên những hiểm họa khôn lường.
Qua đó, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thư cũng đưa ra khuyến cáo để tránh bị hóc dị vật khi ăn uống, người dân nên tập trung, chú ý khi ăn, không cười đùa, đùa giỡn, vừa ăn vừa làm việc. Trong trường hợp không may bị hóc xương không nên chữa mẹo, không khạc nhổ gây tổn thương cổ họng, thực quản, mà cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để xử lý kịp thời.