Đó là trường hợp của ông T.T.H (62 tuổi). Ông nhập viện trong tình trạng tâm lý lo lắng bởi nuốt phải xương gà. Người nhà cho biết, trong lúc ăn cơm với thịt gà, ông H. bị hóc xương. Tại bệnh viện quận, bệnh nhân được chẩn đoán dị vật thực quản và chuyển viện.
Tại bệnh viện tuyến trên, người bệnh tiếp tục than đau cổ họng, nuốt khó, bứt rứt, sốt 380C. Bệnh nhân được chỉ định nội soi thực quản, trong quá trình nội soi cho thấy ở 1/3 giữa thực quản có một dị vật, dài khoảng 40 mm, nằm ngang, hai đầu cắm sâu vào thành thực quản, nhiều khả năng gây thủng thành thực quản.
Bác sĩ tiến hành gắp dị vật qua nội soi, lấy ra được một mảnh xương gà. Các bác sĩ còn phát hiện thành sau thực quản bên phải có một vết thủng khoảng 3mm. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định chụp CT-scan ngực không cản quang. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị viêm trung thất do thủng thực quản.
Các bác sĩ phải mở dạ dày ra da để nuôi ăn, đồng thời điều trị kháng sinh và dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.Sau 2 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân mới ổn định và đã được xuất viện.Trò chuyện với các bác sĩ, người bệnh cho biết đang ăn bị sặc nên trót nuốt miếng thịt gà có cả xương.
Trong các loại hóc xương, xương gà là loại dị vật rất nguy hiểm do đầu xương thường sắc nhọn và cứng. Hầu hết các bệnh nhân mắc xương gà ở thực quản thường rất nghiêm trọng bởi xương gà có thể gây thủng thực quản dẫn đến viêm trung thất, áp xe trung thất với nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí sớm.
Từ trường hợp trên và không ít trường hợp nguy kịch khác do mắc xương gà từng nhập viện cấp cứu, mọi người nên hết sức cẩn thận khi ăn uống. Ngoài xương gà, xương cá, xương heo, các loại thức ăn khác cũng dễ gây hóc như hạt trái cây cứng, có đầu nhọn như hạt vú sữa, hạt sapôchê, mãng cầu, nhãn…
Để tránh hóc dị vật, cần nhai nuốt chậm, không nên cho thức ăn vào quá vội. Tránh tình trạng vừa ăn vừa nói chuyện, đặc biệt là cười nói, nô đùa hoặc bất chợt la to trong lúc ăn. Người cần lưu ý nhiều hơn cả là những người cao tuổi và trẻ nhỏ.
Trong trường hợp chẳng may bị hóc dị vật, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý xử trí tại nhà bằng cách cố cho tay vào móc ra hoặc làm theo những cách dân gian như nuốt cơm cháy vì có thể sẽ làm cho dị vật mắc sâu hơn hoặc gây tổn thương thực quản dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.