Hà Nội

Ác mộng đeo bám những người Ai Cập thoát khỏi lưỡi dao IS

25-02-2015 18:32 | Quốc tế
google news

"Uớc gì tôi ở bên cạnh họ vào lúc đó", một người sống sót nói về những tín đồ Ai Cập theo Cơ đốc giáo bị IS bắt và sau đó chặt đầu tại Libya với nỗi niềm day dứt, đớn đau.

Trong đêm khuya thanh vắng, có tiếng đập cửa và hét lớn. Đó là tiếng của các chiến binh IS, những kẻ đến để bắt cóc và giết các tín đồ Cơ đốc giáo.

Những người sống sót nói rằng họ bị ám ảnh bởi những ký ức về đêm lạnh lẽo vào ngày 3/1, khi 13 tín đồ Cơ đốc giáo người Ai Cập bị bắt và giải đi khỏi khu nhà ở thành phố ven biển Sirte, Libya, vài ngày sau khi 7 người khác bị bắt cóc. Tất cả 20 lao động Ai Cập bị bắt, cùng một người được cho là từ Ghana, sau đó bị IS chặt đầu trong đoạn video đăng tải ngày 15/2.

Ngồi trong một căn phòng trống tại Al Aour, ngôi làng nghèo ở phía nam Cairo, một vài người sống sót xem lại những hình ảnh vui vẻ của bạn bè và người thân trước khi họ bị IS giết. Một video quay bằng điện thoại cho thấy những người đàn ông đang vui đùa trong một căn phòng ở Sirte. Đó là một trong những khoảnh khắc cuối đời của các nạn nhân được ghi lại.

Những người sống sót cảm thấy ngày đau đớn đó ngỡ như chỉ vừa mới xảy ra hôm qua: tiếng bước chân ngày một gần hơn khi các chiến binh cực đoan lục soát một dãy phòng, những người đàn ông sợ hãi ngồi co ro ẩn náu với nhau khi bạn bè và người thân bị lôi đi, cánh cửa sắt dày ngăn cách số phận của họ.

o-COPTIC-CHRISTIAN-900_1424848872_142484
Hana Aziz, một tín đồ Cơ đốc giáo Ai Cập suýt bị IS bắt cóc tại Libya. Ảnh: Huffingtonpost

"Họ gõ cửa 5 lần", Hana Aziz, 35 tuổi, nhớ lại. "Chúng tôi cố giữ im lặng và cầu nguyện". Aziz dùng thân mình đè vào cửa ra vào để không ai có thể mở.

Một người sống sót khác, Youssef Khamis Zikri, cho biết cuộc điện thoại từ một người bạn đã cứu mạng mình. "Chúng tôi nhận được một cú điện thoại từ phòng bên nói rằng 'đừng mở cửa'", Zikri kể. "Tuyệt đối không được mở".

Nhóm cực đoan dọa giết những người Hồi giáo Ai Cập trong khu nhà để bắt họ phải chỉ điểm vị trí của các tín đồ Cơ đốc giáo. Nhân chứng kể lại chính những người Hồi giáo này đã khóc nức nở sau khi các chiến binh rời đi. "Họ khóc và nói rằng điều đó trái với ý muốn của họ", Zikri nói. "Họ không cố tình làm vậy".

IS lôi các tín đồ Cơ đốc giáo ra khỏi hai phòng. Trước khi di chuyển đến các phòng khác, các chiến binh nói rằng họ sẽ quay lại để bắt những người còn lại. Khi chiếc xe được cắm cờ đen của IS lăn bánh, những người không bị bắt ra khỏi chỗ ẩn náu và chạy trốn vào sa mạc khi trời vẫn tối đen như mực.

Trên đường đi, bạn bè và cả những người xa lạ tại Libya đã liều mạng giúp họ trú ẩn. Tuy nhiên, hành trình dài vài ngày để về Ai Cập đầy rẫy nguy hiểm. Các chiến binh và những kẻ côn đồ có vũ trang có thể bắt bất kỳ chiếc xe nào dừng lại để lục soát.

Họ trắng tay khi về đến nhà. Số tiền họ kiếm được khi làm những công việc nguy hiểm ở Libya đã bị trấn lột trên đường về. Đây cũng là nguy hiểm những người Ai Cập còn mắc kẹt ở Libya sẽ phải đối mặt nếu họ cố gắng về nước.

Với những người sống sót, ác mộng vẫn tiếp tục. Họ hiện phải đối mặt với nỗi dằn vặt và đau đớn khó thể tưởng tượng. Họ ước thà bị bắt đi trong trong đêm đó. Họ sợ phải về nhà và đối mặt với người nhà nạn nhân.

"Ước gì tôi ở bên cạnh họ vào lúc đó", Shenouda Malak, 27 tuổi, nói về những người bạn bị sát hại. "Tôi sẽ được ở một nơi tốt hơn trong thế giới này".

o-MURDERED-COPTS-900_1424848965_14248491
Một người sống sót giơ bức ảnh chụp một nạn nhân bị IS chặt đầu. Ảnh: Huffingtonpost

Lo sợ cho người ở lại

Cùng với niềm tiếc thương dành cho các nạn nhân, những người trốn thoát còn lo lắng cho những người Ai Cập vẫn còn ở lại Libya. "IS đang lùng sục công dân Ai Cập", Malak nói. Anh chạy trốn khỏi Libya sau khi nhận được một cú điện thoại từ Sirte nói rằng những người bạn của anh đã bị bắt cóc. "Họ phải được giải cứu", anh nói về những người đang ở Libya.

Sau khi IS đăng tải đoạn video tàn bạo ngày 15/2 và chiến đấu cơ Ai Cập đánh bom các mục tiêu của nhóm cực đoan ở Libya, hàng nghìn người Ai Cập đã cố gắng về nước.

Chỉ trong ngày 22/2, khoảng 3.000 người Ai Cập và gia đình họ được cho là đã vượt qua biên giới Libya để về Ai Cập. Nhưng không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Hành trình đến biên giới đầy rẫy nguy hiểm khi phải trốn tránh IS và các băng nhóm tội phạm. Một số người Ai Cập phải đi qua nước láng giềng Tunisia để về nhà. Phát ngôn viên Bộ Hàng không Dân dụng Mohamed Abdul Rahman cho biết hơn một trăm lao động Ai Cập hôm 20/2 hạ cánh tại sân bay Cairo, sau khi chạy trốn khỏi Libya qua Tunisia.

o-EGYPTIANS-RETURN-900_1424849289.jpg
Những người Ai Cập trốn chạy khỏi Libya về đến sân bay Cairo ngày 23/2. Ảnh: Huffingtonpost

Tuy nhiên, con số này còn quá nhỏ so với hàng nghìn người Ai Cập vẫn đang sinh sống ở đất nước Libya hỗn loạn, nơi hai phe phái chính trị đang tranh giành quyền lực và các phiến quân tiếp tục chiếm lãnh thổ. Những người đã về Ai Cập hiểu rõ hiểm nguy đặt ra với những người còn ở lại Libya, đặc biệt là các tín đồ Cơ đốc giáo.

Một người đàn ông cho biết hai cháu trai của ông đã quyết định chỉ một trong hai anh em sẽ mạo hiểm để trở về Ai Cập. "Mù một mắt thì còn có thể chấp nhận được, chứ không thể nào mù hoàn toàn", Zikri, một người bạn của gia đình, nói về trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, khi gia đình mất cả hai người con vì tình trạng hỗn loạn ở Libya.

Mặc dù Cairo cấm người dân đến Libya, hy vọng về một cuộc sống tốt hơn ở nước này khiến người Ai Cập khó có thể bỏ qua. Họ bất chấp rủi ro để mưu sinh. Lao động Ai Cập nói rằng thu nhập của họ tại Libya cao hơn ở quê nhà 4 lần.

"Nếu không có việc làm, chúng tôi sẽ phải quay trở lại Libya", Malak Nagah cười một cách bất lực. "Tôi sẽ quay trở lại, bạn có thể sẽ thấy hình ảnh của tôi. Tôi có thể sẽ bị giết".

Theo VnExpress

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: