Ung thư đường tiêu hoá chiếm tới 30% trong số các loại ung thư, thường xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới. Nhóm bệnh này có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị chính xác, kịp thời.
Ung thư đường tiêu hóa bao gồm ung thư khoang miệng, vòm họng, hậu môn nhưng dễ gặp nhất là ung thư dạ dày, đại trực tràng, gan, tuyến tụy, thực quản.
Các dấu hiệu của ung thư đường tiêu hóa
Dấu hiệu nhận biết ung thư đường tiêu hóa thường mờ nhạt, dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác hoặc các bệnh đường tiêu hóa thông thường như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa.
Vì vậy, các chuyên gia y tế đã đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo ung thư đường tiêu hóa không nên bỏ qua:
- Đau bụng - Dấu hiệu ung thư tiêu hóa tiêu biểu nhất
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Suy nhược cơ thể hoặc mệt mỏi
- Phân có máu hoặc hắc ín
- Có khối u ở bụng
- Rối loạn đại tiện
- Đầy hơi, khó tiêu
Tuy nhiên, nếu ung thư đường tiêu hóa mới chỉ ở giai đoạn khởi phát, các khối u còn nhỏ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng cụ thể nào. Vì vậy, người bệnh cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa để có thể phát hiện ra bệnh và từ đó có phương án điều trị phù hợp.
Các loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng thường không có dấu hiệu cho đến khi bước vào giai đoạn nặng. Ung thư đại trực tràng được coi là căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe tiêu hóa. Nó bắt đầu như những polyp lành tính ở đại tràng hoặc trực tràng, dần dần biến thành khối u ác tính. Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót.
Ung thư đại trực tràng có nhiều khả năng gây ra triệu chứng ở giai đoạn di căn xa, khi ung thư đã phát triển hoặc lan rộng, điển hình nhất là các biểu hiện: tiêu chảy, táo bón, phân dẹt kéo dài trong nhiều ngày. Mệt mỏi do thiếu máu, sút cân nhanh không rõ nguyên nhân. Phân có lẫn máu hoặc sẫm màu.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là căn bệnh nguy hiểm, tấn công niêm mạc thực quản một cách mạnh mẽ đến khi lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Ung thư thực quản giai đoạn đầu thường không có triệu chứng.
Vì vậy, phần lớn người bệnh được phát hiện khi ung thư đã đến giai đoạn tiến xa hoặc giai đoạn cuối, với những dấu hiệu: Nuốt nghẹn, nuốt khó, gặp khó khăn khi nuốt thức ăn, cảm thấy vướng ở thực quản; đau tức vùng ngực sau xương ức khi nuốt.
Các triệu chứng khác cũng có thể gặp khi khối u đã xâm lấn các cơ quan khác như:
- Ung thư xâm lấn khí quản gây rò khí – thực quản, ho, khó thở;
- Ung thư xâm lấn thần kinh quặt ngược thanh quản gây khàn tiếng;
- Ung thư xâm lấn hoặc di căn xa đến các vị trí khác gây tràn dịch màng phổi, màng ngoài tim, đau ngực, đau bụng, đau xương…
Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng. Việc phát hiện bệnh sớm là điều rất khó khăn nếu không thường xuyên khám sức khỏe. Chính vì vậy, mỗi người cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như: bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống cân bằng… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư gan
Ung thư gan xuất hiện do nhiễm trùng gan, viêm gan B hoặc C mãn tính, xơ gan và uống quá nhiều rượu. Khám sàng lọc định kỳ các bệnh nhiễm trùng viêm gan, tiêm vaccine viêm gan B và điều chỉnh lối sống như: hạn chế sử dụng chất kích thích, duy trì cân nặng hợp lý là những yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa căn bệnh ung thư chết người này.
Ung thư dạ dày
Cũng giống như các loại ung thư đường tiêu hóa khác, ung thư dạ dày thường có những biểu hiện không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Triệu chứng có thể đang ở giai đoạn đầu của ung thư dạ dày:
- Đau bụng.
- Ợ hơi ợ chua, ợ nóng và cảm thấy đầy bụng sau mỗi bữa ăn.
- Đại tiện bất thường.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Cân nặng giảm đột ngột.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Cách hạn chế ung thư đường tiêu hóa
- Chúng ta luôn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xét nghiệm, siêu âm, nội soi, khám chuyên khoa, khám sức khỏe định kỳ các chức năng tiêu hóa khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi có bệnh.
- Áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Rèn luyện thân thể cùng với hoạt động thể chất thường xuyên.
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Duy trì cân nặng.
- Thực hiện tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ.
Xem thêm video được quan tâm:
Rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19: Cải thiện như thế nào? | SKĐS