Hà Nội

5 cách dùng thuốc an toàn ở người cao tuổi

04-07-2024 06:59 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh đồng thời, do đó cũng phải uống nhiều loại thuốc trị bệnh. Vậy, làm thế nào để người cao tuổi dùng thuốc an toàn và hiệu quả?

Người cao tuổi “nhớ nhớ quên quên”, cách nào để dùng thuốc an toàn?Người cao tuổi “nhớ nhớ quên quên”, cách nào để dùng thuốc an toàn?

SKĐS - Người cao tuổi đôi khi vì uống rất nhiều thuốc và vào các thời gian khác nhau sẽ dẫn đến việc quên uống thuốc. Tùy vào từng loại thuốc mà việc không tuân thủ điều trị sẽ có những ảnh hưởng khác nhau và đòi hỏi cách xử trí khác nhau.

Một số cách đơn giản dưới đây có thể giúp người cao tuổi dùng thuốc an toàn, hiệu quả:

1. Dùng thuốc an toàn nhờ tuân thủ chỉ định của bác sĩ

Người bệnh cần dùng đúng liều lượng, cách uống thuốc, số lần dùng thuốc trong ngày và số ngày cần dùng thuốc... theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý tăng, giảm liều dùng.

Nếu không sử dụng đúng cách, thuốc sẽ không phát huy hiệu quả tối ưu mà đôi khi còn gây bất lợi. Do đó, để bảo đảm thuốc phát huy hiệu quả, cần uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn trên nhãn, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tăng cholesterol và đái tháo đường.

Trong thời gian dùng thuốc, nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

5 cách dùng thuốc an toàn ở người cao tuổi- Ảnh 2.

Người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc.

2. Không bỏ thuốc giữa chừng

- Tuyệt đối không bỏ liều hoặc ngừng dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ: Việc không dùng thuốc đúng quy định có thể dẫn đến bệnh nặng hơn, thậm chí có thể phải nhập viện và tử vong.

Nhiều loại thuốc phải được sử dụng đủ thời gian, ngay cả khi các triệu chứng bệnh đã biến mất, mới có hiệu quả. Việc ngừng dùng thuốc khi chưa đủ thời gian, có thể khiến bệnh quay trở lại tấn công người bệnh, thậm chí làm gia tăng nguy cơ kháng thuốc, nhất là đối với các thuốc kháng sinh.

- Không dùng thuốc kê đơn cho người khác: Tùy theo mỗi thể trạng, tình trạng bệnh của mỗi người mà các bác sĩ có phác đồ điều trị khác nhau. Do đó, việc dùng thuốc của người khác có thể không đúng bệnh, mà còn gặp tác dụng phụ không mong muốn hoặc phản ứng nguy hiểm.

3. Bảo quản thuốc đúng cách

- Bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo: Việc bảo quản thuốc đúng cách giúp thuốc luôn an toàn và hiệu quả. Các loại thuốc được bảo quản tốt nhất ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để thuốc tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá lạnh.

- Để xa tầm tay trẻ em, để tránh trẻ với lấy thuốc và uống gây ngộ độc.

- Kiểm tra ngày hết hạn của thuốc: Thuốc hết hạn sẽ giảm hoặc không có tác dụng hoặc có thể gây hại cho người bệnh, đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh nặng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.

5 cách dùng thuốc an toàn ở người cao tuổi- Ảnh 3.

Người cao tuổi cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

4. Tránh các tương tác thuốc và tác dụng phụ tiềm ẩn

- Tất cả các loại thuốc kê đơn, không kê đơn, thuốc thảo dược hoặc chất bổ sung đều có thể gây tương tác bất lợi khi dùng nhiều loại một lúc. Một số loại thuốc không được uống với rượu vì có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ, lú lẫn, buồn ngủ và té ngã…

Không những thế, một số thực phẩm và đồ uống thông thường cũng có thể gây ra tương tác nghiêm trọng với thuốc. Ví dụ, nước ép bưởi có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc.

Do đó, nếu không tìm hiểu kỹ về các tương tác thuốc trước khi sử dụng, người cao tuổi có thể vô tình sử dụng các loại thuốc, thực phẩm, đồ uống… gây bất lợi cho thuốc đang diều trị. Hậu quả là có thể làm thuốc giảm tác dụng hoặc bệnh không thuyên giảm.

Để tránh các tương tác thuốc xảy ra, người cao tuổi cần chú ý đọc kỹ thông tin từ tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hoặc trao đổi với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đã và đang sử dụng.

- Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, như lú lẫn, chóng mặt, buồn ngủ… Do đó, cần trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ của thuốc trước khi sử dụng.

5. Giữ lại đơn thuốc đã và đang dùng

Việc giữ lại các đơn thuốc đã và đang dùng có thể giúp bệnh nhân, người nhà và bác sĩ theo dõi liều lượng và phát hiện bất kỳ tương tác thuốc tiềm ẩn. Điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp cấp cứu hoặc khi đi du lịch.

Ngoài ra, cần đảm bảo danh sách thuốc phải được cập nhật liên tục theo chỉ định của bác sĩ. Danh sách bao gồm tên thuốc, tên biệt dược, nguyên nhân dùng thuốc, liều lượng, thời gian dùng...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lưu ý sử dụng thuốc sau khi phẫu thuật tuyến giáp.

BS. Đặng Xuân Thắng
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn