Hà Nội

Người cao tuổi “nhớ nhớ quên quên”, cách nào để dùng thuốc an toàn?

24-07-2020 08:47 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Người cao tuổi đôi khi vì uống rất nhiều thuốc và vào các thời gian khác nhau sẽ dẫn đến việc quên uống thuốc. Tùy vào từng loại thuốc mà việc không tuân thủ điều trị sẽ có những ảnh hưởng khác nhau và đòi hỏi cách xử trí khác nhau.

Hậu quả của quên uống thuốc

Việc quên một liều có thể không gây ra vấn đề nghiêm trọng nhưng nếu việc này diễn ra thường xuyên có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Cụ thể:

Bỏ qua thời điểm thuốc có tác dụng tốt nhất: Thuốc giảm đau trong viêm khớp sẽ hiệu quả nhất khi được uống trước khi xuất hiện triệu chứng đau dữ dội hay việc sử dụng thuốc xịt quá trễ trong bệnh hen suyễn có thể không giúp phòng ngừa được cơn hen sẽ xảy ra.

Gây thất bại trong điều trị: Nếu không uống thuốc kháng sinh đúng và đủ liều, tự ngưng khi thấy giảm triệu chứng có thể gây ra kháng thuốc làm tình trạng nhiễm khuẩn khó kiểm soát và đôi khi cần phải điều trị với một liệu trình kháng sinh dài ngày hơn hoặc phải đổi thuốc điều trị.

Có thể gặp phải hội chứng “cai thuốc”: Các thuốc tác động trên thần kinh trung ương như một số thuốc an thần gây ngủ, thuốc chống trầm cảm... nếu quên liều liên tục hoặc ngưng đột ngột có thể gây rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, lo âu, đau đầu...

Tăng nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng: Đôi khi việc quên dùng các thuốc huyết áp hoặc thuốc tim mạch, có thể gây tăng huyết áp dội ngược, cơn đột quỵ hoặc đau tim tái phát. Việc quên uống thuốc điều trị đái tháo đường có thể làm đường huyết không được kiểm soát tốt, tăng nguy cơ gặp biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, tim...

Người cao tuổi “nhớ nhớ quên quên”, cách nào để dùng thuốc an toàn?Dược sĩ tư vấn cách dùng thuốc cho người cao tuổi tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội).

Cách xử trí khi quên liều uống thuốc

Tốt nhất là liên hệ với bác sĩ, dược sĩ để biết cần phải làm gì đối với những trường hợp quên uống thuốc cụ thể. Nếu không liên hệ được, có thể đọc thêm thông tin kê toa đối với từng loại thuốc để xem hướng dẫn khi quên liều. Nhìn chung, có thể tham khảo nguyên tắc xử trí sau khi quên liều:

- Nếu nhận ra quên uống thuốc trong vòng 2 giờ so với thời điểm cần uống thuốc: Có thể uống liều đã quên ngay khi nhớ ra và dùng liều kế tiếp như thông thường.

- Nếu nhận ra muộn hơn 2 giờ so với thời điểm cần uống thuốc: Tùy vào số lần dùng thuốc trong ngày để quyết định:

Nếu thuốc đó cần dùng 1-2 lần/ngày: Có thể an toàn để dùng thuốc khi kịp thời nhớ ra, miễn là không sát với liều kế tiếp (không dùng thuốc bù khi liều kế tiếp quá gần với thời điểm nhớ ra đã quên thuốc) để tránh quá liều.

Nếu thuốc đó cần dùng ít nhất 3 lần/ngày: Thường là an toàn khi bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp như thường ngày.

4 nguyên tắc sử dụng thuốc an toàn

Để sử dụng thuốc an toàn hơn, có 4 nguyên tắc người cao tuổi cần tuân thủ:

Sử dụng thuốc được kê đơn từ bác sĩ theo đúng chỉ hướng dẫn: Không tự ý bẻ, nghiền thuốc, ngưng thuốc, giảm liều hoặc tự ý mua thêm thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Giữ lại các đơn thuốc và sắp xếp theo thứ tự thời gian: Đảm bảo người nhà và các bác sĩ (kể cả trường hợp điều trị với nhiều bác sĩ khác nhau) biết được thông tin của tất cả các thuốc mà người cao tuổi đang dùng (gồm tên thuốc, liều dùng) cũng như các thực phẩm chức năng, thảo dược và những thay đổi về việc dùng thuốc gần đây. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp cấp cứu, đi du lịch hoặc có dị ứng thuốc.

Lưu ý về những tương tác thuốc và tác dụng không mong muốn có thể xảy ra: Tương tác thuốc có thể xảy ra khi hiệu quả của một thứ thuốc bị thay đổi do sử dụng cùng với một thuốc khác, dược thảo, thức ăn, đồ uống hoặc một tình trạng bệnh lý làm cho một loại thuốc trở nên gây hại.

Việc đọc kỹ thông tin kê toa của mỗi loại thuốc hoặc tham vấn với bác sĩ, dược sĩ sẽ giúp biết thêm thông tin về thuốc, hạn sử dụng, cách bảo quản đúng và hạn chế được những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.

Ví dụ việc sử dụng nitroglycerin là một thuốc điều trị đau thắt ngực nhưng có chống chỉ định dùng cùng với thuốc điều trị rối loạn cương dương như sildenafil (Viagra) vì có nguy cơ gặp tương tác thuốc nghiêm trọng gây hạ huyết áp quá mức, nguy hiểm đến tính mạng. Cần luôn chủ động thông báo cho bác sĩ, dược sĩ biết về những bất thường trong quá trình dùng thuốc.

Cùng bác sĩ, dược sĩ trao đổi về tất cả các thuốc, chế phẩm bổ sung, thảo dược đang dùng trong mỗi lần thăm khám, để xác nhận lại các thuốc đang sử dụng có cần thiết dùng tiếp không hay có thể ngưng chế phẩm bổ sung hoặc loại thảo dược đang dùng có phù hợp không. Nếu thấy chi phí mua thuốc vượt quá khả năng chi trả, có thể hỏi bác sĩ, dược sĩ về loại thuốc thay thế, vẫn hiệu quả nhưng chi phí thấp hơn.

Cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ khi cảm thấy một loại thuốc nào đó không thật sự hiệu quả (ví dụ, nếu thuốc giảm đau không giúp giảm đau tốt như mong đợi). Việc trao đổi này giúp hạn chế các tương tác thuốc, tác dụng không mong muốn và tiết kiệm chi phí.


TS.DS. Lê Vân Anh (Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Hữu Nghị)
Ý kiến của bạn