20 giây có một người cắt cụt chi vì thói quen ít vận động, chế độ ăn nhiều bột đường

28-09-2019 15:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin trên được PGS.TS Tạ Văn Bình- Nguyên Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa (Đại học Y Hà Nội), Chủ tịch Hội người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam, đã cho biết như vậy tại lễ khai mạc Tuần lễ quốc tế phòng chống bệnh nội tiết - Đái tháo đường" năm 2019, diễn ra sáng 28/9, tại Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi lễ, PGS. Bình cho hay, hiện nay có tình trạng gia tăng người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và  đang ngày càng trẻ hoá. Đái tháo đường tuýp 2 được xem là điển hình cho các bệnh không lây.

Đây là bệnh luôn chiếm được mối quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn. Trung  bình mỗi ngày trên thế giới có vài nghìn đề tài nghiên cứu về bệnh và các vấn đề liên quan được nghiệm thu... nhưng kết quả vẫn còn rất khiêm tốn. Vì cứ 6 giây có một người tử vong, 20 giây có một người phải cắt cụt chi và tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng tăng, tuổi ngày càng trẻ hóa. PGS Bình cho hay.

Theo PGS. Bình, tuổi trung bình của người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 trên thế giới là 40 tuổi. Hiện nay, tại Việt Nam, đã có trẻ mới 9 tuổi đã mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. "Cách đây 30 năm, để tìm ra một bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 ở độ tuổi 40 tuổi rất khó. Đến giờ những bệnh nhân này rất nhiều. ” PGS. Bình cho biết thêm.


PGS.TS Tạ Văn Bình phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ quốc tế phòng chống bệnh nội tiết - Đái tháo đường năm 2019

Theo thống kê,  Việt Nam hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này dự báo tăng lên 6,3 triệu vào năm 2045. Mặc dù, cả nước hiện có 3,5 triệu người (độ tuổi từ 20-79) mắc bệnh này nhưng có tới 70% người mắc không biết mình bị bệnh. Có 20% người bệnh đái tháo đường bị bệnh thận, gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Bệnh đái tháo đường đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế cả nước mới chỉ có 29% người bệnh bị đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế, trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71%.

Đái tháo đường là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Năm nay chủ đề của ngày đái tháo đường thế giới là Diabetes: protect your family-"Phòng chống đái tháo đường ngay từ gia đình bạn.

Trong 2 ngày 28-29/9,  sẽ diễn ra các hoạt động chính gồm: Triển lãm gian hàng; Hội thảo khoa học...  Chương trình không chỉ kết nối các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực đái tháo đường ở Việt Nam bàn về giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, hướng dẫn chăm sóc cho người bệnh đái tháo đường.

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường gây tăng đường máu mạn tính do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả insulin mà nó sản xuất ra.
Bệnh đái tháo đường có thể gây nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe như tổn thương tim, mạch máu, mù do tổn thương các mạch máu nhỏ của võng mạc, thần kinh, tai biến mạch máu não, suy thận.
Đái tháo đường trong thời kỳ mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, bệnh tật và tử vong ở mẹ. Bệnh đái tháo đường trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ trẻ béo phì và mắc bệnh đái tháo đường týp 2 trong tương lai.
Đái tháo đường là vấn đề y tế nan giải, là gánh nặng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Chi phí để điều trị đái tháo đường khoảng 3-6% ngân sách dành cho toàn bộ ngành y tế.
Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. “Hội người giáo dục bệnh Đái tháo đường Việt Nam không chỉ góp phần giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, hiểu biết, có kiến thức phòng ngừa bệnh đái tháo đường. Hơn hết, qua chương trình đặc biệt cung cấp kiến thức bổ ích phòng ngừa đái tháo đường ở trẻ em, kiểm soát biến chứng đái tháo đường ở bệnh nhi”, PGS.TS Tạ Văn Bình chia sẻ.

 

 


Lê Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn