Ngày 7/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, ngày 4/5, Khoa Tiêu hóa của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp trẻ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, các học sinh trong lớp cũng có triệu chứng tương tự sau bữa ăn trưa.
Trường hợp đầu tiên là bé trai sinh năm 2015 (Quận 4, TPHCM). Bệnh nhi nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 với các triệu chứng sốt và nôn ói, tiêu lỏng.
Khai thác bệnh sử được biết, ngày 3/5, bệnh nhi có ăn trưa với mỳ Ý sốt cà ở trường học (học bán trú).
Sau khi ăn, bệnh nhi cùng 6 bạn học sinh khác bắt đầu có triệu chứng sốt cao, nôn ói. Tình trạng của bệnh nhi ngày càng nặng, bé sốt cao, ói 8 lần, tiêu lỏng, không đau bụng, người nhà cho nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 13h50 ngày 4/5.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi tỉnh, không sốt, không ói thêm, tiêu lỏng 10 lần, phân vàng nước lợn cợn, không nhầy máu, CRP tăng nhẹ 49.5 mg/l, siêu âm các quai ruột nhiều dịch, tăng nhu động, soi phân đại thể không bất thường. Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn, viêm họng cấp và theo dõi ngộ độc thực phẩm.
Trường hợp thứ hai là bé gái sinh năm 2013 (ngụ tại TP Thủ Đức). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu lỏng.
Người nhà bệnh nhân cho biết, ngày 3/5 trẻ có ăn mỳ Ý sốt cà ở trường (học bán trú), tới tối trẻ bắt đầu có các triệu chứng bất thường như đau bụng quanh rốn, nôn ói ra thức ăn cũ từ trưa. Ngày 4/5, trẻ vẫn tiếp tục ói ra thức ăn và dịch xanh 5 lần, chưa đi tiêu nên người nhà đã cho trẻ nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 17h.
Xét nghiệm CRP tăng nhẹ, siêu âm các quai ruột nhiều dịch và hơi, xét nghiệm bệnh phẩm tìm tác nhân chưa có kết quả. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi ói cấp, theo dõi viêm dạ dày ruột và ngộ độc thực phẩm. Hiện bệnh nhi tỉnh, không sốt, không ói, không đau bụng thêm, không mất nước và đang được điều trị với kháng sinh và bù nước.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viện không ghi nhận thêm các ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan đến các trường hợp trên. Hai trường hợp này xét nghiệm bệnh phẩm kết quả không có tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, nhận thấy có khả năng liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm nên Bệnh viện Nhi đồng 2 đã báo cáo đến Sở Y tế TPHCM.
Sở Y tế TPHCM khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn trong việc mua thức ăn đảm bảo vệ sinh cho con em ăn nhanh trước khi đi học, nhất là trong tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Theo đó, để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho trẻ trong thời gian tới, phụ huynh nên chọn lựa sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn, nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C, ăn ngay sau khi nấu vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm, bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
Đồng thời, nấu lại thức ăn thật kỹ, các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun kỹ lại. Tránh gây ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
Cần giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...
Chỉ sử dụng các sản phẩm, thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Ngộ độc sau khi ăn cơm cuộn trước cổng trường
Trước đó, như Báo Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, ngày 3/5, ghi nhận có 15 học sinh từ 7-11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức, bao gồm: Trường tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 trẻ), Trường tiểu học Bình Trưng Đông (5), Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1) và Trường tiểu học Lương Thế Vinh (1) nhập viện nghi do ngộ độc.
Triệu chứng được phát hiện ngày 2-5 sau khi ăn sáng (2,5 giờ - 3 giờ sau bữa ăn) với thức ăn là món cơm cuộn được mua trước cổng trường.
Các chuyên gia Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) và Nhi khoa nhận định đây là một vụ ngộ độc thực phẩm nghi do ăn phải độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.
Sở Y tế chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức giám sát tình hình dịch bệnh tại các trường học và cộng đồng. Việc xác định nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm sẽ được Sở An toàn thực phẩm tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.