Hà Nội

15 "món ăn thuốc" giúp hạ sốt sau tiêm vaccine COVID-19

SKĐS - Sau tiêm vaccine COVID-19, tùy theo cơ địa của từng người mà có các phản ứng ở mức độ khác nhau. 15 "món ăn thuốc" sau đây bổ sung chất dinh dưỡng, hạ sốt và các triệu chứng khác.

Sốt, đau mỏi khắp người, vết tiêm bị sưng đỏ, chóng mặt, dị ứng, co giật, sưng hạch bạch huyết và ớn lạnh… là các triệu chứng thường gặp sau tiêm vaccine COVID-19. Các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau 1-2 ngày.

Với các trường hợp phản ứng nặng như sốt cao và liên tục, tê môi, lưỡi, tăng huyết áp, nhịp tim nhanh… cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để được hỗ trợ.

Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu sau tiêm chủng, ngoài chế độ chăm sóc, theo dõi, chúng ta cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi, khỏe mạnh. Đặc biệt cần chú ý các món ăn thuốc giúp hạ sốt và giảm nhẹ các tác dụng phụ sau tiêm vaccine.

15 món ăn thuốc hỗ trợ hạ sốt sau tiêm vaccine  - Ảnh 2.

Cháo đậu xanh giúp hạ sốt sau tiêm.

"Món ăn thuốc" giúp hạ sốt và các tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19

1. Nước sắc tử tô: Tô diệp (lá tía tô) tươi 100g hoặc dạng khô 15g. Sắc hay hãm nước cho uống. Dùng cho các trường hợp sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, vết tiêm sưng đỏ, dị ứng …

2. Cháo đậu xanh: Đậu xanh 50 - 100g, gạo tẻ 80g. Nấu cháo, cho ăn, ngày 2 - 3 lần. Dùng cho trường hợp sốt nóng khát nước, lở ngứa, co giật, sưng hạch bạch huyết.

3. Nước gừng tử tô: Tử tô tươi (cả cành lá của cây tía tô) 40 - 60g, gừng tươi 20g. Sắc hãm lấy nước, thêm đường cho uống. Dùng cho các trường hợp sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, vết tiêm sưng đỏ, dị ứng.

4. Lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Giã nát thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp sốt nóng khát nước, lở ngứa, sưng hạch bạch huyết, dị ứng.

5. Sữa đậu giải độc: Sữa đậu (thường là sữa đậu nành) và nước uống. Dùng cho các trường hợp sốt nhẹ, đau mỏi khắp người, vết tiêm sưng đỏ, dị ứng, co giật, sưng hạch bạch huyết.

15 món ăn thuốc hỗ trợ hạ sốt sau tiêm vaccine  - Ảnh 3.

Sữa đậu nành.

6. Nước sắc đậu xanh: Đậu xanh 120g, sinh cam thảo 40g, nấu lấy nước cho uống. Dùng cho trường hợp sốt nóng khát nước, lở ngứa, dị ứng, co giật, sưng hạch bạch huyết.

7. Nước sắc đậu đen cam thảo: Đậu đen và cam thảo sắc đặc lấy nước uống. Dùng cho trường hợp sốt nóng khát nước, lở ngứa, dị ứng, co giật, sưng hạch bạch huyết.

8. Nước bột đậu xanh sữa đậu nành giải độc: Đậu xanh 100g (tán bột), đậu hũ hoặc sữa đậu nành 200 - 300ml cùng đem khuấy trộn đều cho uống. Áp dụng cho mọi trường hợp bị ngộ độc, độc dược, chất khoáng, kim loại arsenic, rượu, thuốc....

9. Nước sắc khổ qua: Khổ qua 1 - 2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, nấu sắc lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp đái tháo đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát.

15 món ăn thuốc hỗ trợ hạ sốt sau tiêm vaccine  - Ảnh 4.

Đậu đen.

10. Nước ép ngó sen tươi: Nước ép ngó sen 60 - 100ml (khoảng 100g tươi) cho uống 1 lần. Dùng cho các trường hợp sốt nóng khát nước, lở ngứa, dị ứng, co giật, sưng hạch bạch huyết.

11. Cháo đậu xanh hải đới: Đậu xanh 30g, hải đới (ngâm mềm) 50g, gạo nếp, đường liều lượng tùy ý. Trước tiên đem gạo, đậu nấu cháo, cháo được cho hải đới nấu tiếp khoảng 5 phút sau cho thêm đường khuấy đều. Dùng cho các bệnh nhân viêm da bán cấp, sẩn ngứa, mề đay.

12. Chuối xanh muối tiêu: Chuối xanh 1 - 3 quả, gọt bỏ vỏ, thái lát ăn với chút muối tiêu. Dùng cho các trường hợp sốt mất nước khát, miệng họng khô, táo bón, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, ho khan đau họng, họng miệng khô khát. Ngày 1 - 2 lần.

13. Nước chè kim ngân hoa cúc: Kim ngân hoa, cúc hoa liều lượng đều nhau 10 - 12g pha hãm uống thay chè. Dùng cho các trường hợp sốt, nổi ban mẩn ngứa dị ứng.

14. Nước dừa: Dừa nước 1 trái lấy cả nước và cùi non, cho uống liền hoặc để lạnh, ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, khát nước, phù nề, đi tiểu ít, mụn nhọt lở ngứa, viêm da, chàm chốc...

15. Canh bí đao đậu xanh: Bí đao 200g, đậu xanh 60g, đường trắng lượng thích hợp. Đậu xanh nấu canh, canh vừa chín cho bí đao (đã gọt vỏ bỏ ruột) vào nấu tiếp khoảng 30 phút, cho đường trắng và gia vị, khuấy đều. Ngày làm 1 lần, chia 2 lần ăn (sáng, chiều). Dùng cho trường hợp sốt nóng, khát nước, lở ngứa, dị ứng, co giật, sưng hạch bạch huyết.

* Lưu ý: Dù bạn ăn gì, uống gì nhưng nếu sốt cao thân nhiệt vượt quá 38,3 - 38,5 độ C, hãy uống thuốc hạ sốt. Trường hợp không đáp ứng thuốc, cơ thể có những biểu hiện bất thường, hãy liên hệ y tế ngay.

Những điều cần biết khi tiêm chủng vaccine COVID-19 (dành cho người đi tiêm chủng)

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thông điệp 5T- Pháo đài chống dịch trong giãn cách xã hội

TS. Nguyễn Đức Quang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn