Trước thực trạng nhiều xe ba gác chở hàng cồng kềnh xuất hiện trên đường phố mà đa số người điều khiển không phải đối tượng thương bệnh binh, ngày 29/11, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã yêu cầu các Đội cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn tăng cường công tác kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm.
Ghi nhận trong buổi trưa ngày 29/11, tại khu vực ngã tư Thanh Nhàn - Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng thường xuyên có loại xe này hoạt động, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra và chặn giữ nhiều xe ba gác tự chế.
Qua kiểm tra, có những xe do đúng đối tượng là thương bệnh binh điều khiển đều được tuyên truyền nhắc nhở không chở hàng hoá cồng kềnh để bảo đảm an toàn giao thông. Có những xe ba gác tự chế không đúng đối tượng điều khiển, tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện.
Trực tiếp làm nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiệp, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 4, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: "Qua điều tra trên thực tế còn rất ít người điều khiển phương tiện xe ba gác tự chế là đối tương chính sách thương, bệnh binh. Đa số loại phương tiện này đều được cho thuê lại, hoặc mượn tên để người khác điều khiển nên trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu không đúng đối tượng điều khiển chúng tôi sẽ tịch thu xe. Còn trường hợp chở hàng cồng kềnh sẽ yêu cầu dỡ hàng hoá, phạt lỗi vi phạm giao thông thông thường.
Riêng trong tháng 11/2022, đơn vị đã lập biên bản xử lý, tạm giữ 47 phương tiện là xe ba gác tự chế không đúng đối tượng điều khiển".
Ngoài việc tăng cường xử lý trên đường, đơn vị cũng phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải hướng dẫn xe ba gác tự chế không đi vào cầu Long Biên, tránh nguy hiểm cho cầu và ùn tắc giao thông tại khu vực trên.
Hiện tại, Phòng Cảnh sát giao thông đã hạn chế và không cấp mới biển kiểm soát cho loại phương tiện trên vì những lý do không bảo đảm điều kiện kỹ thuật cũng như an toàn khi lưu thông.
Theo quy định tại điểm k Khoản 3 Điều 6 và điểm c Khoản 2 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi chở hàng cồng kềnh vượt quá quy định cho phép là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng.
Hành vi tự chế, thay đổi kết cấu xe, trang trí thêm nhiều bộ phận, linh kiện sai khác so với thiết kế ban đầu cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người có hành vi tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức là chủ phương tiện căn cứ tại điểm c Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Đối với hành vi điều khiển xe tự chế, lắp ráp trái quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng và còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng, theo quy định tại điểm b Khoản 3, điểm d Khoản 4 Điều 17 Nghị định này.
Video có thể bạn quan tâm:
Con trai cả nặc quân phục ngã quỵ, gào khóc bên mẹ và 2 em- “Anh về rồi, sao út không đợi anh”-SKĐS