Hàng loạt dự án nhà tái định cư bị bỏ hoang giữa Thủ đô
Thông tin mới được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố, tại Hà Nội và TP.HCM hiện có khoảng 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Đây là các con số cho thấy vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có nhiều bất cập, cũng như đang gây lãng phí tài nguyên đất đai và một nguồn ngân sách khổng lồ.
Trong khi người dân rất khó tiếp cận nhà khi giá chung cư liên tục tăng cao, thì hàng chục nghìn căn nhà tái định cư bị bỏ hoang khiến nhiều người không khỏi "xót xa".
Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, hiện có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn và khoảng 4.000 căn chung cư đang bị bỏ hoang. Trong đó, có những dự án nằm tại vị trí đắc địa, phần lớn khối lượng xây dựng đã hoàn thành nhưng vẫn "vắng bóng người" về ở hàng chục năm nay.
Ghi nhận tại Dự án nhà ở tái định cư (TĐC) N01 - D17 nằm tại số 1, phố Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) cho thấy: Dự án do UBND quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào 2013.
Tuy nhiên đến nay, sau hơn 10 năm, dự án vẫn trong cảnh "đắp chiếu" và bỏ phí không đưa vào sử dụng.
Theo tìm hiểu, dù nằm trên khu đất vàng của quận Cầu Giấy, nhưng do không được bố trí vốn kịp thời, có những năm không được giao kế hoạch vốn khiến việc thi công công trình này dang dở chưa thể hoàn thành.
Cách đó không xa, dự án nhà ở tái định cư A14 khu đô thị Nam Trung Yên (Yên Hòa, Q.Cầu Giấy) cũng chung hoàn cảnh. Dù đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng sau 7 năm, hai toà nhà nằm ngay mặt đường Mạc Thái Tổ vẫn bị bỏ hoang, không có người sử dụng.
Người dân sinh sống quanh khu vực cho biết không khỏi tiếc nuối khi hai tòa nhà quy mô lớn, được xây dựng đã lâu nhưng vẫn không có lấy một bóng người. Trong khi đó, ghi nhận khu vực quanh hai tòa nhà này đã dần xuống cấp theo thời gian, một số nơi trở thành nơi vứt rác, đi vệ sinh của nhiều người gây mất mỹ quan đô thị.
Một dự án khác tại quận Hoàng Mai, dù nằm ở vị trí đắc địa với mặt tiền rộng trên 50m giáp phố Tân Mai, nhưng khu tái định cư Đền Lừ III gồm 3 tòa chung cư cao tầng nằm trên địa bàn 2 phường Tân Mai và Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (TP Hà Nội), đến nay vẫn trong cảnh chưa có người ở.
Theo tìm hiểu của PV, dù đã hoàn thành năm 2017 nhưung sau hơn 7 năm, hàng nghìn căn hộ tại dự án này vẫn chưa được nghiệm thu do còn một số tồn tại cần khắc phục. Ghi nhận tại dự án này, hiện cả 3 tòa nhà cao tầng đang bị bỏ hoang, nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Một số khu vực trở thành nơi tập kết rác dân sinh gây ô nhiễm môi trường.
Chung tình cảnh như trên tại khu vực quận Long Biên, ba tòa nhà tái định cư trong Khu đô thị Sài Đồng (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) do Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Công ty Handico 3) làm chủ đầu tư hiện cũng trong tình cảnh tương tự.
Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.292 tỷ đồng, được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2001 - 2006 để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng mở rộng phố Sài Đồng. Tuy nhiên, kể từ khi hoàn thiện đến nay, các tòa nhà bị bỏ hoang, không có người đến ở.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân khiến dự án đến nay vẫn bị bỏ không là do được triển khai từ khi quận Long Biên chưa được thành lập. Do đó, việc bồi thường ở giai đoạn chuyển tiếp từ huyện thành quận đã dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân.
Cần giải pháp đồng bộ cho căn hộ tái định cư bỏ hoang
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, cần thực hiện đồng bộ một loạt các biện pháp mang tính đồng bộ.
Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước cần có kế hoạch quy hoạch rõ ràng và hợp lý hơn khi chọn vị trí xây dựng các khu tái định cư. Các khu vực này cần được kết nối tốt với trung tâm thành phố và có đầy đủ hạ tầng, dịch vụ công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, và các tiện ích khác.
Ngoài ra, cần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, các dự án tái định cư cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn.
Đồng thời, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai mới với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Thực hiện khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư. Để đảm bảo các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.
Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai. Còn đối với các dự án bất động sản đã hoàn thiện và chưa được sử dụng có kế hoạch đấu giá để thu hồi vốn, lãnh đạo các thành phố cần nghiên cứu mức giá bán phù hợp hơn.
Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 nghìn tỉ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống.
Các chủ đầu tư sẽ có một tỉ lệ phần trăm quỹ nhà dự án để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư. Việc chuyển đổi sang nhà ở xã hội phải bảo đảm phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Cho thuê cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng bỏ hoang và sử dụng không hiệu quả các tài sản này. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng dân cư và các nhà đầu tư.
Xem thêm video được quan tâm:
Nạn nhân kể về khoảnh khắc thoát chết trong vụ cháy ở Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội | SKĐS