Hà Nội

Xoá bỏ quan niệm "chết toàn thây", hàng trăm tăng ni, Phật tử nô nức đăng ký hiến tạng

02-10-2018 11:16 | Y học 360
google news

SKĐS - Tại chùa Giác Ngộ đã có gần 600 tăng ni, phật tử đăng ký hiến tặng mô/ tạng cứu người. Đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp, xoá bỏ quan niệm "chết phải toàn thây" như nhiều người lầm tưởng.

Khan hiếm nguồn tạng ghép: Cần phải làm gì để thay đổi quan niệm của xã hội?. Nguồn: VOV

 

Tham dự buổi lễ có GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ, ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, ông Phạm Ngọc Thừa - đại diện của khoa Y - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cùng nhiều tăng ni, phật tử địa phương.

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã chia sẻ về các quan niệm trong Phật giáo đối với vấn đề hiến tặng mô/ tạng và hiến xác và được các tăng ni, phật tử nhiệt tình đón nhận, hưởng ứng.

Chia sẻ với Báo Sức khoẻ&Đời sống tại buổi Truyền hình trực tuyến "Hiến tạng - Cho đi là còn mãi", Thượng toạ Thích Nhật Từ cũng từng nói: Trong quan niệm của Phật giáo, việc hiến mô, tạng và thi thể hoàn toàn không có một trở ngại gì cho tiến trình tái sinh của người chết sau đó mà ngược lại, nó còn có những “quả phúc” rất đáng kể. Do vậy, những người quan tâm đến hạnh phúc của cuộc sống nên tình nguyện hiến tạng mà Đức Phật gọi là bố thí nội tài.

Thượng toạ Thích Nhật Từ và các chuyên gia y tế giải đáp thắc mắc cho các tăng ni, Phật tử.

 

Vấn đề lớn nhất khiến nhiều người chưa sẵn sàng cho việc hiến tạng khi chết não là quan niệm "Chết toàn thây" ăn sâu bao đời. Thượng tọa lý giải cặn kẽ: “Không có cách chết nào với các hình thức tống táng nào mà dẫn đến sự toàn thây được. Nếu có chăng thì cũng chỉ là tạm thời thôi. Hình thức tống táng chúng ta thấy trong mấy nghìn năm lịch sử đã sử dụng phổ thông nhất là thổ táng và những loại gỗ quý có thể giữ thi thể người chết trong vòng vài chục năm thì các loại gỗ làm linh cữu thông thường chỉ có thể giữ thi thể trong vòng vài năm là tan rã, trở thành tro bụi. Ngày nay thì có phương pháp hỏa táng thì trong vòng 4-6 tiếng thi thể con người cũng trở thành tro bụi nhanh hơn.

Xa xưa tại Tây Tạng mà ngày nay một số bộ tộc tại khu vực này vẫn còn sử dụng là điểu táng, tức là biến thi thể người chết trở thành phương tiện trong ngày hôm đó cho các loài động vật ăn thi thể này để chúng không có cơ hội và không cần giết các con vật nhỏ hơn. Như vậy là người Tây Tạng xa xưa đã nhìn thấy được rằng thi thể tưởng chừng như vô dụng, vốn có thể tạo ra sự đau buồn về sinh ly tử biệt lại có thể trở thành hữu dụng để cứu lấy các con vật khác. Cách đó người ta còn gọi là lâm táng, tức là treo thi thể ở trong rừng, những trường hợp để ngoài trởi thì gọi là thiên táng.

3 phương pháp tống táng này đều làm cho cơ thể không còn nguyên vẹn. Do đó, việc cho rằng, hiến mô tạng và thi thể cho y học sẽ dẫn đến kết quả không toàn vẹn trong kiếp sau là quan niệm hoàn toàn sai lầm”.

Đã có gần 600 tăng ni, Phật tử đăng ký hiến tạng.

 

Cũng tại buổi lễ, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và đại diện khoa Y trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng đã giải đáp các thắc mắc về hiến mô/ tạng và hiến xác.

Tổng kết buổi lễ, ban tổ chức đã thu được gần 600 đơn tình nguyện hiến mô/ tạng sau khi chết/ chết não. Đây là số người đăng ký cao nhất từ trước đến nay tại chùa Giác Ngộ.

Được biết, Quỹ đạo Phật ngày nay - chùa Giác Ngộ phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế đã 4 lần tổ chức đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học. Theo đó trong năm 2015 có hơn 250 người đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học, năm 2016 có 583 người đăng ký và năm 2017 có 527 người đăng ký.


Dương Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn