Sáng 21/4, tại Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 23/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Về quan điểm xây dựng văn bản, đó là: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Lấy người bệnh làm trung tâm; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.
Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh. Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ, có tính khả thi, phù hợp với chuẩn mực của pháp luật quốc tế về khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm yếu tố về bình đẳng giới.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong phần sự cần thiết, trên cơ sở các chính sách đã được UBTVQH thông qua, Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án Luật theo hướng "lấy người bệnh làm trung tâm" thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về:
- Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề.
- Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 10 chương và 102 điều, thêm 1 chương (chương IX) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3
Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 23/2/2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết số 16/2022/UBTVQH15 của UBTVQH về "Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022".
Quyết nghị nêu rõ, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
UBTVQH phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra dự án Luật như sau: Phân công Chính phủ trình; Ủy ban Xã hội của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vụ cháy biệt thự trăm tỷ: Quảng Ninh chính thức lên tiếng tiết lộ nguyên nhân cực sốc.