Hà Nội

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

23-11-2021 11:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại Phiên họp thứ 5, UBTVQH đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Giải quyết các bất cập, tồn tại của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009

Theo Tờ trình của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 ngày 8/6/2018 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, ngày 6/3/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 75/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Ngày 24/4/2020, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản số 3571/TB-TTKQH thông báo Kết luận của UBTVQH tại Phiên họp thứ 44 (đợt 1) (tháng 4/2020), theo đó UBTVQH khóa XIV kết luận: "Tạm thời rút dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi Chương trình kỳ họp thứ 9 để Chính phủ, ngành y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan có liên quan. UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội sau khi xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật".

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 2.

UBTVQH cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Tờ trình nêu rõ, thực hiện Kết luận của UBTVQH và trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH tại Phiên họp của Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra dự án Luật, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan và đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, cụ thể như sau:

Chỉnh lý lại nội dung Tờ trình Quốc hội theo hướng làm rõ lý do phát sinh các chính sách trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng như làm rõ định hướng giải quyết các bất cập, tồn tại của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Chỉnh lý Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 theo hướng bổ sung, phân tích làm rõ các tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Chỉnh lý báo cáo đánh giá tác động theo hướng bổ sung, cập nhật đánh giá tác động đối với các nội dung đã nêu trên.

Chỉnh lý nội dung của dự thảo Luật (nội dung chi tiết kèm theo).

Bổ sung danh mục và dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Tại Báo cáo thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước đây đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, sau đó điều chỉnh sang Chương trình năm 2020 để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, ngày 6/3/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 75/TTr-CP về dự án Luật này. Tuy nhiên, qua xem xét ý kiến thẩm tra sơ bộ, UBTVQH đã kết luận "Tạm thời rút dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi Chương trình kỳ họp thứ 9 để Chính phủ, ngành y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan có liên quan. UBTVQH sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội sau khi xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật".

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Do đó, việc Chính phủ tiếp tục đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 là thực hiện đúng kết luận của UBTVQH; đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; bảo đảm kịp thời triển khai nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đề nghị xây dựng Luật do Chính phủ trình đề xuất 15 nhóm chính sách lớn nhằm sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Trong báo cáo thẩm tra đầy đủ, các cơ quan của Quốc hội đã phân tích, đánh giá cụ thể về 8/15 nhóm chính sách cần được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm nhằm bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội cũng như tính khả thi của Luật sau khi được Quốc hội thông qua, nhất là các nội dung liên quan đến bổ sung quy định chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và thời hạn của giấy phép hành nghề; vấn đề thi đánh giá năng lực hành nghề; đổi mới quy định về phân tuyến, phân cấp hệ thống khám, chữa bệnh; về an ninh bệnh viện và an toàn cho người hành nghề; giá dịch vụ khám, chữa bệnh; chính sách liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế của nhà nước với cơ sở y tế tư nhân; vấn đề bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật...

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, hồ sơ dự án Luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện; đồng thời, để nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng Luật, hạn chế việc điều chỉnh Chương trình nhiều lần và thực hiện đúng Kết luận UBTVQH tại phiên họp tháng 4/2020, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị UBTVQH chưa quyết định bổ sung ngay dự án Luật này vào Chương trình năm 2022 mà yêu cầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình UBTVQH xem xét chậm nhất tại phiên họp tháng 3/2022.

Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật, quyết định việc trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) đồng thời với việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn