Đêm Đông không quản ngại...
2h đêm giữa tiết trời lạnh thấu xương, bất chợt có tiếng chuông điện thoại reo. Nghe máy, BS. Lò Thị Thanh Hợp được thông báo về một trường hợp khó sinh trên địa bàn bản Mốc 4, xã Nậm Tin cách Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) 20km đường rừng. Gia đình bệnh nhân muốn đưa xuống trạm y tế nhưng trời khuya, đường lầy lội, người dân đều đã đi ngủ nên cầu cứu nhân viên y tế đến tận nhà đón. Ngay lập tức, BS. Hợp cùng đồng nghiệp nhanh chóng lên xe cứu thương đón bệnh nhân. Các bác sĩ cũng đã lường trước tình huống sẽ phải đỡ đẻ giữa đường, nên chuẩn bị sẵn các thiết bị y tế cần thiết.
Con đường đi càng trơn trượt hơn sau trận mưa lớn. Đường vào bản của đồng bào Mông nhỏ hẹp, khó đi càng thêm khó khăn giữa trời đêm. Xuống đến bản đã là 3h sáng. BS. Hợp cùng nhân viên y tế phải đi bộ vào bản đón bệnh nhân. Suốt chặng đường trở về trạm y tế, các bác sĩ đã phải cấp cứu để "cố giữ" cho bệnh nhân sinh nở tại trạm an toàn, đảm bảo vô khuẩn. May mắn, sản phụ đã mẹ tròn con vuông.
Với BS. Hợp, những tình huống thăm khám bệnh bất ngờ, giữa đêm khuya như vậy không phải là hiếm. Chỉ cần nhận được tin có bệnh nhân phải cấp cứu tại các bản xa mà ở tuyến dưới không xử lý được, là chị lại khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cùng hành trang mang theo để đến với người bệnh.
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), BS. Lò Thị Thanh Hợp, Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ thấu hiểu những khó khăn mà người dân nơi đây gặp phải. Ngay từ nhỏ, chị đã ước mơ thành bác sĩ khi phải chứng kiến những thiếu thốn của người dân trong việc chăm sóc chữa bệnh và day dứt bởi một người bị ốm khiến cả bản phải cùng khiêng cáng đi vì đường sá đi lại khó khăn.
Để theo học con chữ, cô gái người dân tộc Thái phải xa gia đình xuống huyện học. Ngày đó, với con em đồng bào dân tộc như chị Hợp, việc được đi học vẫn còn lạ lẫm. Mỗi lần khăn gói đi học là dân bản lại dúi cho quả trứng, lúc thì vài nghìn đồng... Tình cảm đó đã thôi thúc chị quyết tâm học, thi đỗ vào Trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Sau khi tốt nghiệp, dù có nhiều cơ hội phát triển tại thành phố, nhưng chị quyết định quay trở về địa phương công tác. Một năm sau, chị tham gia Dự án 585 "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" của Bộ Y tế.
Việc khám chữa bệnh ở vùng núi, biên giới vô cùng vất vả. Công tác phòng chống dịch, tiêm chủng cho trẻ em và tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng rất chật vật. Có những chuyến đi bản, BS. Hợp phải leo đồi, vượt suối... đến khám cho bệnh nhân. Khổ nhất là vào những ngày mưa, đường lầy lội, bùn đất sình lầy ngập quá nửa bánh xe, trơn trượt. Một bên là vực sâu hun hút, một bên dốc đứng đèo cao, nếu chẳng may trượt chân là rơi xuống vực thẳm... Thậm chí, nhiều thôn bản chưa có đường ô tô, đường đất bị chia cắt bởi đồi núi cao, khe suối sâu, người bệnh lại không thể ngồi được xe máy nên người nhà và bác sĩ phải khiêng bệnh nhân ra trạm y tế bằng cáng tự chế. Dù khó khăn, nhưng BS. Hợp không quản ngại bám núi, bám rừng, bám bản... để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.
Một mình đảm nhận nhiều "vai"
Ngoài việc thăm khám cho bệnh nhân, những bác sĩ ở vùng cao như BS. Hợp còn làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức. Chị chia sẻ, ở vùng núi cao Nậm Pồ, khí hậu thay đổi thất thường trong một ngày. Những ngày này thời tiết trở lạnh, nhiệt độ xuống sâu, trẻ em không được nhắc nhở mặc áo ấm, đi tất, đội mũ. Vì vậy mà tỷ lệ trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ... khá cao.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí người dân miền núi biên giới của tỉnh Điện Biên không đồng đều. Bố mẹ, người thân trong nhà vì mải đi làm nương và mưu sinh cuộc sống, chưa quan tâm tới sức khỏe của trẻ. Chỉ khi trẻ bị bệnh chuyển biến nặng như sốt cao co giật, suy hô hấp, khó thở... mới "ôm" trẻ đến cơ sở y tế.
Thậm chí có những trường hợp, con được đưa vào viện, nhưng chưa thấy biến chuyển, họ liền không làm theo hướng dẫn của y, bác sĩ. Họ tự ý cho con ra viện về nhà chăm sóc, chữa mẹo dân gian hay mời thầy cúng tới "đuổi bệnh". "Vừa rồi có trường hợp trẻ ốm nặng, nhưng gia đình không cho tới trung tâm y tế. Họ cho rằng trẻ ốm là đang bị ma làm và để ở nhà. Họ đưa trẻ đi tắm giữa đêm khuya... vì tin sớm khỏi bệnh. May mắn mà chúng tôi phát hiện kịp thời nên cháu bé đã được cấp cứu thành công", BS. Hợp kể.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh ở vùng cao, BS. Hợp bảo, ngoài người dân sống lẻ tẻ, thưa thớt, nhà cách nhà hơn kilomet đường rừng, ngôn ngữ cũng là một rào cản đối với các chị. Việc giao tiếp với người dân tộc nơi đây lúc có phiên dịch của y tế thôn bản thì không sao, nhưng nhiều khi các chị phải dùng các động tác chân tay mới chuyển tải được ý nghĩ đến với người dân. Có trường hợp người bệnh đến khám phải mất cả tiếng đồng hồ với vô vàn động tác như vũ công mới khai thác được tiền sử bệnh của họ.
"Ở huyện Nậm Pồ đa phần là dân tộc Mông. Tôi là người dân tộc Thái, thời gian đầu về công tác dân bản chưa tin. Họ chỉ tin vào thầy cúng, thầy tạo, vào các mụ vườn, vào những hủ tục mê tín dị đoan... Nhưng rồi "mưa dầm thấm lâu", sau mỗi lần được khám bệnh, uống thuốc sức khỏe tốt hơn, người dân bản đã thay đổi. Họ tin, quý mến thầy thuốc", BS. Hợp cười nói.
Tích cực với công tác thiện nguyện
Điều mà BS. Lò Thị Thanh Hợp trăn trở là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ở Nậm Pồ còn thiếu thốn. Có thời điểm người bệnh điều trị đông, trong khi phòng điều trị lại ít, trung tâm y tế luôn trong tình trạng quá tải.
Hơn nữa cuộc sống của người dân còn rất khó khăn, ngay cả về ăn uống, mặc... Trong tâm trí của chị luôn là hình ảnh những đứa trẻ thiếu quần áo ấm khi đông về, những người phụ nữ Mông còn nhiều e dè khi được vận động đến cơ sở y tế sinh nở. Tất cả điều đó là động lực để chị không ngừng nỗ lực trong công tác chuyên môn.
Những bước chân không mỏi của người thầy thuốc dân tộc Thái này còn nỗ lực đến với người dân bằng các hoạt động thiện nguyện. BS. Hợp cùng với đoàn cơ sở của trung tâm y tế thường xuyên tổ chức các buổi thăm khám, cấp phát thuốc và quà tới người dân. Trong năm 2022, 165 người dân ở xã Nậm Chua, 167 hộ dân ở bản Pá Khá (xã Nà Bủng)... đã được khám, cấp phát thuốc miễn phí. Những chương trình áo ấm mùa đông, áo ấm tặng trẻ... được các y, bác sĩ làm thường xuyên.
"Đó là những việc rất nhỏ thôi nhưng tôi nghĩ có thể mang lại sự ấm áp cho người dân. Có thể là chưa làm được nhiều và rộng như các nơi khác, nhưng chúng tôi sẽ rất cố gắng để người dân, các bệnh nhân được phục vụ tốt nhất. Tôi vẫn luôn tâm niệm, trong mọi hoàn cảnh dù chỉ cần cố gắng hết mình là đều nhận được kết quả tốt đẹp. Cho nên mình luôn cố gắng mỗi ngày", BS. Hợp nói.
Với những thành tích đạt được, BS. Lò Thị Thanh Hợp đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen. Năm 2021, chị là một trong 10 gương thầy thuốc trẻ tiêu biểu trên cả nước được vinh danh.
Ở vùng biên giới, những thầy thuốc có trình độ như BS. Lò Thị Thanh Hợp không nhiều. Cũng vì cơ sở y tế neo người mà BS. Hợp phải gánh trọng trách của nhiều vai trò. Ngoài thực hiện nhiệm vụ của khoa Nhi được giao, BS. Hợp còn thực hiện các công tác khám, chữa bệnh của các khoa lâm sàng của bệnh viện. Từ tuyên truyền phòng dịch, khám, chữa bệnh, đỡ đẻ, đến thăm khám ngoại trạm hay đi thôn bản hỗ trợ... BS. Hợp không nề hà. Ở đâu cần là chị có mặt.