Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu 3 lý do mong Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

06-01-2023 18:07 | Thời sự
google news

SKĐS - Cuối phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nêu lên 3 lý do mong muốn Quốc hội thông qua Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa trên tinh thần cầu thị, lắng nghe

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau khi lắng nghe các ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có giải trình, làm rõ một số ý kiến.

Người đứng đầu ngành y tế cảm ơn các ý kiến của các ĐBQH đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Bộ trưởng một lần nữa khẳng định đây là dự án luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, tác động đến vấn đề quý nhất của con người là sức khỏe. Toàn bộ hơn 100 triệu dân, kể cả người khi còn trong bụng mẹ cũng ảnh hưởng bởi luật này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu 3 lý do mong muốn Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

"Với quan điểm, mục tiêu là "lấy người bệnh làm trung tâm" và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của người dân; đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra tích cực tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, sau Kỳ họp thứ 4, trên cơ sở nhiều ý kiến khác nhau, trên cơ sở cầu thị, Bộ đã tổ chức nhiều Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ làm công tác chuyên môn. Trên cơ sở đó, Bộ cũng tổ chức hội thảo nguyên ngành làm việc với địa phương, cơ sở y tế để hoàn thiện dự án Luật. Đồng thời, Bộ cũng tổ chức 2 hội nghị lấy ý kiến hơn 270 giám đốc các bệnh viện hai miền Nam-Bắc.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, trên cơ sở đó, nội dung dự án Luật cũng đã được chỉnh sửa với 12 Chương, 121 điều, tăng 3 Chương và 30 điều so với dự thảo dự án Luật cũ. Trong thời gian hơn 14 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, ngành y tế nhận thấy có nhiều vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, chính vì vậy Bộ cũng thấy rằng sự cần thiết phải tiếp thu, lắng nghe ý kiến để thể hiện những vấn đề thực tiễn đòi hỏi.

Mong Quốc hội, Chính phủ có một luật liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập

Giải trình, làm rõ những nội dung mà các ĐBQH nêu trong phiên thảo luận chiều 6/1/2023, Bộ trưởng cho biết, liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng người hành nghề, có thể nói đối với ngành y tế, chất lượng người hành nghề liên quan trực tiếp đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đến tính mạng của người dân. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo rất coi trọng vấn đề kiểm soát chất lượng người hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Hội đồng Y khoa quốc gia là nội dung mới nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 20, giúp việc đánh giá năng lực hành nghề đạt được chuẩn chung của quốc gia, quy định này cũng nhận được sự thống nhất cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như của các ĐBQH.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu 3 lý do mong muốn Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 2.

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chiều 6/1/2023.

Về thời hạn giấy phép hành nghề, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, để giải quyết bất cập trong luật cũ, dự thảo Luật lần này quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành y, đảm bảo lực lượng này liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng hành nghề, hạn chế sai sót xảy ra, giúp đội ngũ cán bộ y tế nâng cao trình độ, tiệm cận các tiêu chuẩn chung của quốc tế.

Về giấy phép hành nghề, Bộ trưởng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 cũng đã bộc lộ những vướng mắc, tồn tại liên quan đến việc không có thời hạn. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm. Việc quy định này là một trong những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn liên quan đến chất lượng cũng như đạo đức người hành nghề. Theo đó, người hành nghề phải thực hiện cập nhật kiến thức y khoa liên tục… Dự thảo Luật đã quy định nội dung liên quan đến việc làm sao tổ chức được đánh giá năng lực trực tuyến, giao cho địa phương, cơ sở thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu 3 lý do mong muốn Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề tự chủ, người đứng đầu ngành y tế cho rằng, quy định về tự chủ liên quan đến rất nhiều luật hiện hành, do vậy dự thảo Luật quy định một số nội dung mang tính chất nguyên tắc, đặc thù đối với ngành y tế.

"Về lâu dài, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ có một luật liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết căn cơ, triệt để các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát nội dung liên quan đến vấn đề tự chủ để thể hiện trong dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tới đây", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Thông qua Luật tại Kỳ họp này hết sức quan trọng đối với ngành y tế

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, theo quy định tại Khoản 2, điều 21 Luật Giá 2012 thì các Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn về phương pháp định giá đối với hàng hóa dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình. Dự thảo Luật đã thể hiện quy định của Luật Giá hiện hành và đối chiếu với các nội dung của dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang trình Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến các ĐBQH và kế thừa các quy định tại Điều 88 tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 dự kiến sẽ chỉnh lý quy định những nội dung liên quan đến giá khám, chữa bệnh như sau:

1/ Luật quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ.

2/ Giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ.

3/ Trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do quỹ  BHYT thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán.

4/ HĐND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh quản lý nhưng không vượt qua mức giá dịch vụ tương ứng do Bộ Y tế quy định.

5/ Cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước được tự quyết định giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu; Cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyết định giá theo luật hiện hành.

Về vấn đề ban hành Luật, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định lại, hiện nay dự thảo Luật đã được tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ các ý kiến của các vị ĐBQH, không phát sinh vấn đề chính sách mới mà chỉ đưa ra các phương án để xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

"Việc thông qua Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 hết sức quan trọng đối với ngành y tế: Thứ nhất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động mà Luật năm 2009 chưa bao phủ hết; Thứ hai, có đủ thời gian cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các văn bản hướng dẫn. Thứ ba, tạo tiền đề cho việc xây dựng các quy định có liên quan", người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề gia hạn giấy lưu hành thuốcBộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề gia hạn giấy lưu hành thuốc

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cùng với các giải pháp trước mắt thì Bộ đang phối hợp xây dựng Luật Dược (sửa đổi) nhằm đẩy nhanh, giải quyết triệt để vấn đề gia hạn giấy lưu hành thuốc.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn