Diễn ra sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19 bùng phát, hội nghị FAEA lần thứ 45 là dịp để các nhà kinh tế các nước ASEAN trực tiếp gặp gỡ, cùng thảo luận, đánh giá tiến trình phục hồi và triển vọng của các nền kinh tế trong khu vực sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, với nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, từ đầu năm 2022, vừa thoát ra khỏi thời điểm khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đã hứng chịu nhiều biến động mạnh và những cú sốc lớn, khó dự báo.
Phục hồi và phát triển kinh tế đã trở thành tâm điểm tại hội nghị các cấp của ASEAN và là chủ đề quan trọng của các cuộc trao đổi, thảo luận giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác liên tục trong những tháng qua.
"Chủ đề Hội nghị FAEA-45 tại Hà Nội lần này tiếp tục là một vấn đề vừa mang tính thời sự, cấp thiết, vừa có tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực. Tôi cho rằng, những ý tưởng khoa học của các nhà nghiên cứu chia sẻ và trình bày tại đây sẽ cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước ASEAN những luận cứ khoa học hữu ích, cả về lý thuyết và thực tiễn, để ứng phó với những thay đổi ở cấp khu vực, toàn cầu và trong mỗi quốc gia", ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Giám đốc Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng chia sẻ một số suy nghĩ: Thứ nhất, chúng ta đã từng rất tự hào về "Phương thức ASEAN", một phương thức rất đặc biệt trong việc xử lý các vấn đề của khối; Thứ hai, vai trò tiên phong của các hội khoa học kinh tế trong tư vấn, góp ý và phản biện chính sách phát triển. Thứ ba, phát huy trách nhiệm và trí tuệ của các nhà kinh tế học.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, nền tảng phát triển và những nhân tố hết sức quan trọng đó đã được phát huy tích cực trong giai đoạn vừa qua.
Với phương châm chủ động, sáng tạo và thích ứng linh hoạt, Việt Nam đã thực hiện thành công "mục tiêu kép": vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội; vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ và bảo đảm an toàn cho người dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, cũng như các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những rủi ro và thách thức không nhỏ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, tại Hội nghị FAEA-45, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cần đóng vai trò thật tốt với tư cách là cơ quan chủ nhà, tích cực cùng với các hội khoa học kinh tế của các nước nỗ lực xây dựng, củng cố Liên đoàn các Hội khoa học kinh tế ASEAN, thúc đẩy sự phát triển và nâng tầm vị thế của ngành khoa học kinh tế trong khu vực, góp phần xây dựng khu vực Đông Nam Á hoà bình, ổn định, an ninh, hợp tác, ngày càng gắn bó và không ngừng phát triển.
Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, Hội nghị FAEA-45 sẽ chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu của mỗi nước, đồng thời đưa ra tầm nhìn tổng thể và dài hạn về kinh tế khu vực, qua đó cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách của các nước ASEAN những luận cứ khoa học hữu ích cả về lý thuyết và thực tiễn, nhằm ứng phó với những thay đổi ở cấp khu vực, toàn cầu và trong mỗi quốc gia.
Hội nghị gồm nhiều phiên họp toàn thể và song song, tập trung thảo luận các vấn đề: Khôi phục và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19; Tình hình an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; Mục tiêu phát triển bền vững, phát triển con người dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; An ninh và chuyển đổi cơ cấu năng lượng, giao thông vận tải và hậu cần, du lịch; Tài chính, tiền tệ, lạm phát, chứng khoán; Tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; Hợp tác kinh tế và Hội nhập quốc tế của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu mới; Diễn đàn kết nối ASEAN.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y Tế: Chuyển Đổi Số Y Tế Tạo Tiện Ích Cho Người Dân Khi Khám Chữa Bệnh | SKĐS