Hội nghị với chủ đề "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới" có sự tham gia của đại diện 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Nga, Ấn Độ).
Bộ GD&ĐT cho hay chuỗi hội nghị đặc biệt quan trọng này của giáo dục ASEAN sẽ bao gồm: Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN lần thứ 17; Hội nghị quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 12; Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Australia, New Zealand, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.
Trong chuỗi hội nghị lần này, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 được tổ chức vào ngày 13/10 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Giáo dục, đại diện phụ trách giáo dục của các nước ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ban Thư ký Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO) và Giám đốc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN)...
Kết thúc chuỗi hội nghị, đại diện ngành giáo dục các nước sẽ thông qua: Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12; Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 lần thứ 6; Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á lần thứ 6.
Nỗ lực chung vì giáo dục ASEAN trong bối cảnh mới
Kể từ khi hợp tác giáo dục trong ASEAN được thiết lập năm 2006, Bộ GD&ĐT Việt Nam luôn tích cực tham gia các hoạt động, chương trình hợp tác chung, đưa ra các sáng kiến đóng góp cho việc phát triển hợp tác chuyên ngành trong ASEAN. Việt Nam cũng không ngừng thúc đẩy hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức quốc tế.
Sau khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN từ Bộ Giáo dục Philippines, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, UNESCO và UNICEF xác định chủ đề chính của nhiệm kỳ 2022-2023 là: "Nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới".
Đồng thời, 5 nội dung ưu tiên được xác định, nhằm đảm bảo phù hợp với ưu tiên của hợp tác giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 cũng như bám sát những ưu tiên của ngành giáo dục Việt Nam trong giai đoạn tới là: Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học; Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu; Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế; Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học; Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
5 ưu tiên này cũng phù hợp với 5 nội dung mà Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã đưa ra để kêu gọi các nước cam kết cho giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh giáo dục tại New York (Mỹ) từ ngày 17-19/9 vừa qua.
Trong năm 2023, dự kiến nhiều hoạt động khác phù hợp với những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam như giáo dục về biến đổi khí hậu, tăng cường hỗ trợ cho người học vượt qua khủng hoảng tâm lý do dịch bệnh COVID-19,… sẽ được Bộ GD&ĐT Việt Nam tiếp tục tổ chức.