Chính quyền và người dân xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa hoàn thành việc cất bốc, di chuyển hơn 1.000 ngôi mộ không rõ danh tính, không có người chăm sóc nằm rải rác trên địa bàn về tập trung để chăm lo hương khói.
Theo ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, trên địa bàn xã này có rất nhiều ngôi mộ không có người thân quản lý, chăm sóc nằm xen kẽ giữa các khu đất sản xuất, bìa rừng và vườn nhà dân. Phần lớn những ngôi mộ này trong tình trạng cỏ dại mọc đầy, bị gia súc giẫm đạp hằng ngày.
Nhiều người ở Xuân Trạch nhận định, có rất nhiều ngôi mộ không rõ danh tính là của các liệt sĩ, thanh niên xung phong, người có công. Bởi xã Xuân Trạch là địa phương nằm bên tuyến đường Trường Sơn, những năm chiến tranh, đây là trọng điểm bắn phá ác liệt của kẻ thù. Nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong, người dân đã ngã xuống, được nhân dân, đồng đội an táng tại đây, người thân, đồng đội của họ chưa có điều kiện tìm kiếm hoặc bị thất lạc.
Ông Trần Đức Thọ, nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân cho biết: "Năm 1968, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng sân bay dã chiến mang mật danh B7 tại thôn Khe Gát, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch để sử dụng máy bay chiến đấu yểm trợ và bảo vệ đường mòn Hồ Chí Minh. Vượt qua khó khăn, gian khổ, những cơn mưa bom, bão đạn ác liệt, sân bay dã chiến Khe Gát được hoàn thành sau gần 1 năm với chiều dài 1,8km, rộng 50m và có đường dẫn máy bay vào hang trú ẩn".
Khi xã Xuân Trạch tổ chức họp bàn, lấy ý kiến việc tập kết các ngôi mộ "vô chủ" để hương khói, nhân dân địa phương hết sức đồng tình, ủng hộ. Tháng 10/2019, Ban Chỉ đạo quy tập mộ vô chủ xã Xuân Trạch được thành lập, do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Với phương châm, việc cất bốc, quy tập và hoàn thiện các khu mộ "vô chủ" phải bảo đảm tính trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, phù hợp phong tục, tập quán của địa phương.
Ở các thôn, tổ quy tập cũng hình thành do trưởng thôn làm tổ trưởng, thành viên nòng cốt là người đứng đầu các chi hội, tổ liên gia tự quản và người cao tuổi trong thôn.
Về kinh phí thực hiện, UBND xã Xuân Trạch hỗ trợ một phần kinh phí cho các thôn trong việc quy tập, phần còn lại do các hộ dân trong thôn tự thống nhất đóng góp và huy động từ nguồn xã hội hóa. Người dân nơi đây vừa góp công vừa góp của để thực hiện việc làm ý nghĩa này.
Vì số lượng mộ "vô chủ" ở địa phương nhiều, nằm rải rác khắp nơi nên để tránh thất lạc, mất dấu vết khi thực hiện di chuyển, Ban chỉ đạo của xã tổ chức cho các thôn tiến hành khảo sát, thống kê đầy đủ các phần mộ vô chủ trên địa bàn từng thôn.
Tiếp đó, thực hiện công tác định vị trên bản đồ, đánh số thứ tự cho các ngôi mộ vô chủ trước khi di chuyển để thống nhất và đồng bộ. Mục đích của việc làm này là để về sau nếu có người muốn tìm kiếm những phần mộ này không bị mất dấu vết, thất lạc.
Đến nay, xã Xuân Trạch đã thực hiện di chuyển được hơn 1.000 ngôi mộ. Việc di chuyển cả nghìn mộ không chỉ thể hiện tính nhân văn, tình nghĩa mà còn tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về xây dựng nông thôn mới.
Thắp Nến Tri Ân Hơn 1.200 Mộ Liệt Sĩ Trong Đêm | SKĐS