Hà Nội

Lý do nhiều nơi vẫn 'án binh, bất động' không cho học sinh tới trường

21-01-2022 10:29 | Xã hội

SKĐS - Trước việc trường học ở nhiều nơi vẫn chưa mở cửa đón học sinh các cấp quay trở lại trường học trực tiếp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường.

Cả nước hiện chỉ có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp họcCả nước hiện chỉ có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học

SKĐS - 7 địa phương dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, tiểu học, phổ thông gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình và Hà Nam. Các địa phương này đều đang ở cấp độ dịch 1 (vùng xanh).

Địa phương lo lắng vì sợ trách nhiệm liên quan tới tính mạng và sức khỏe của học sinh?

Theo Nghị quyết 128, tùy từng cấp độ dịch ở các mà địa phương sẽ quyết việc cho học sinh đi học lại hay không. Cụ thể, đối với hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp:

  • Dịch cấp độ 1 các cơ sở giáo dục đào tạo được phép hoạt động,
  • Cấp độ 2 được phép hoạt động hoặc hoạt động hạn chế,
  • Cấp độ 3 được phép hoạt động hoặc hoạt động hạn chế,
  • Cấp độ 4 là ngưng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động.

Tuy Nghị quyết nêu cụ thể việc đi học lại theo từng cấp độ dịch ở các địa phương, nhưng theo ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, một số nơi chưa chuyển biến tư duy, thậm chí không làm theo tinh thần Nghị quyết.

Chẳng hạn Nghị quyết quy định: Ngừng hoạt động hoặc hạn chế học sinh đi học trực tiếp chỉ khi dịch ở địa phương đó là vùng đỏ/cấp 4. Nhưng thực tế ở một số tỉnh/thành, nhiều quận/huyện đang có dịch cấp độ 2, 3 vẫn "án binh, bất động" không cho học sinh tới trường.

"Tôi từng tiếp xúc trực tiếp và hỏi một lãnh đạo sở GD&ĐT vì sao đã 12 tháng nay học sinh của tỉnh (trừ lớp 1) vẫn chưa được trở lại trường? Câu trả lời là do tỉnh chỉ đạo và sở đã phân cấp cho các quận/huyện. Nhưng khi hỏi đến quận/huyện thì lại nói đã phân cấp cho các xã/phường. Trong khi đó, xã/phường không dám cho học sinh đi học vì sợ trách nhiệm liên quan tới tính mạng và sức khỏe của học sinh" - ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Vì sao cánh cổng trường học nhiều nơi vẫn chưa mở? - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng, trường học nên được mở cửa để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Ảnh minh họa.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Tự Ân cho rằng: "Học sinh ở nhà quá lâu để lại hậu quả khôn lường về chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục và sức khỏe học đường, ảnh hưởng tới phát triển tâm sinh lý lâu dài cho trẻ. Do đó, cần sớm có cuộc tổng rà soát việc cho học sinh tới trường tại các địa phương từ khi có Nghị quyết 128. Chỉ rõ từng xã phường, huyện, quận, tỉnh, thành thực hiện Nghị quyết này tới đâu; đồng thời nêu rõ lý do cụ thể. Sau đó, thông báo công khai trong từng tỉnh, thành phố và toàn quốc những địa phương làm tốt cũng như chưa tốt việc cho học sinh trở lại trường".

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tính đến tuần đầu tháng 1/2022, cả nước chỉ có 9 tỉnh/thành phố tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn, 35 tỉnh thành dạy học kết hợp trực tiếp với trực tuyến và qua truyền hình, 19 địa phương phố còn lại dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng khuyến cáo, trường học nên được mở cửa càng sớm càng tốt để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, hơn nữa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong trường học là rất thấp, thấp hơn nguy cơ trong cộng đồng và các gia đình.

Ông Phạm Quang Hưng - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi tỷ lệ phủ vaccine của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Trong bối cảnh mô hình "Sống chung với COVID-19" được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Để mở cửa trường học, theo ông Phạm Quang Hưng, các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, trong đó dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học. Trong đó có quy định về việc tiêm vaccine và chiến lược xét nghiệm cho học sinh; các biện pháp quản lý nguy cơ khi có dịch trong trường học; tăng cường nhận thức của phụ huynh và học sinh trong giai đoạn đầu mở cửa trường học.

Củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

"Chính phủ đã chỉ đạo, các chuyên gia đã khuyến cáo, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã phối hợp trao đổi, mong rằng các địa phương, trực tiếp là sở GD&ĐT và Y tế khẩn trương, cương quyết đưa học sinh quay trở lại trường học, kể cả mầm non, tiểu học cũng cần có kế hoạch và kịch bản phù hợp, kịp thời.

Những địa phương có kinh nghiệm tốt cần chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác. Các địa phương cần có phương án phù hợp với tình hình thực tế và phân cấp trách nhiệm để cùng phối hợp với ngành Giáo dục triển khai đưa thầy cô và học sinh quay trở lại trường hiệu quả, an toàn" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tại Hội nghị về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo cụ thể: "Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên Đán là phù hợp. Còn với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường.

Xem thêm video:

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng

ĐV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn