Vì sao người dân không nên 'quay lưng' với thịt lợn?

30-11-2023 13:44 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước tâm lý lo ngại không ăn thịt lợn của người tiêu dùng do dịch tả lợn châu Phi, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An tuyên truyền, vận động người dân không "quay lưng" với loại thực phẩm này.

Chợ đìu hiu, siêu thị nhộn nhịp

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ dân sinh ở các địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi như thành phố Vinh, huyện Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An)… người dân ít chọn mua thịt lợn so với thời điểm chưa bùng phát dịch.

Vì sao người dân không nên 'quay lưng' với thịt lợn?- Ảnh 1.

Do thông tin về dịch tả lợn châu Phi, sức tiêu thụ thịt lợn ở các chợ dân sinh tại Nghệ An có giảm.

Tại chợ Quang Trung (thành phố Vinh), sau khi xuất hiện thông tin về dịch, nhu cầu mua thịt lợn giảm đáng kể so với trước. Bà Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán thịt tại chợ cho biết, trước khi có dịch xuất hiện, trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 50kg thịt lợn, những ngày gần đây ngày cao điểm bán được 20kg.

"Người dân yên tâm mua vì thịt lợn lấy từ công ty nên đảm bảo không có chuyện mua lợn mắc dịch bệnh", bà Hoa vừa nói vừa chỉ dấu kiểm dịch trên miếng thịt.

Hơn 9h sáng, thời điểm người dân đi chợ đông nhất nhưng các sạp bán thịt lợn ở chợ ngay trung tâm huyện Đô Lương vẫn đìu hiu. Các tiểu thương đon đả mời chào khách và cam kết "thịt không mắc dịch tả" nhưng đều nhận được những cái lắc đầu từ khách.

Bà Nguyễn Thị Lan, tiểu thương bán thịt tại khu chợ này cho biết, khi có thông tin dịch bệnh, người dân e dè chuyển qua các thực phẩm khác, dẫn đến lượng khách mua có giảm.

"Trước đây khi chưa có dịch, mỗi ngày bán gần một tạ thịt, nay chỉ bán trên dưới 60kg thịt. Dù giá thịt giảm khoảng 20% nhưng người dân vẫn rất e dè. Không chỉ người dân, các quán ăn, nhà hàng cũng hạn chế nhập thịt lợn hơn", bà Lan nói.

Vì sao người dân không nên 'quay lưng' với thịt lợn?- Ảnh 2.

Khách hàng mua thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại một siêu thị ở TP. Vinh.

Trái ngược với cảnh đìu hiu tại chợ truyền thống, quầy thực phẩm tươi sống tại hệ thống các siêu thị lại ghi nhận sức mua ổn định và tăng đáng kể.

So với giá ở các chợ dân sinh, giá thịt lợn ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cao hơn từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Tuy giá cao hơn nhưng được người tiêu dùng chọn mua vì biết nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Thành, trú tại phường Lê Lợi (thành phố Vinh) cho biết, từ trước đến nay trong mâm cơm của gia đình khi nào cũng có món thịt lợn. Thịt lợn vẫn là món ăn phổ biến, giá thành vừa phải và dễ chế biến thành nhiều món nên cũng chỉ cắt giảm chứ không cắt bỏ hoàn toàn.

"Tìm hiểu qua sách báo được biết dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người. Biết là thế, nhưng vẫn ngại, lâu nay vẫn mua thịt lợn ở chợ nhưng từ khi nghe thông tin về dịch nên chuyển sang mua ở các siêu thị cho yên tâm", bà Thành nói.

Vì sao người dân không nên 'quay lưng' với thịt lợn?- Ảnh 3.

Tiêu hủy lợn chết vì dịch tả lợn châu Phi ở Nghệ An.

Lợn bệnh không dễ ra thị trường

Trước tâm lý lo ngại của người tiêu dùng, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên "quay lưng" với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, thịt lợn tại các chợ đầu mối đơn vị kiểm tra chặt về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, lấy mẫu kiểm tra nếu cần... trước khi đưa ra thị trường. Khi có nhu cầu mua các sản phẩm thịt lợn, người dân nên chọn những địa chỉ uy tín, an toàn như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy, sạp có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…

Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn là do nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt, không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, còn hiện tượng giấu dịch, vứt xác vật nuôi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh. Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát triệt để theo quy định.

Vì sao người dân không nên 'quay lưng' với thịt lợn?- Ảnh 4.

UBND tỉnh Nghệ An ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương, sở ban ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành chỉ thị gửi các địa phương, sở ban ngành về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Tuyên truyền người dân chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh các ổ dịch mới.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trốn tránh kiểm dịch qua đường cao tốc Bắc - Nam, bán chạy động vật mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường...

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh động vật khác.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu phi để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không "quay lưng" với thịt lợn, tiếp tục tiêu thụ, sử dụng thịt lợn an toàn góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tổng đàn lợn toàn tỉnh tính đến tháng 11/2023 ước đạt hơn 980.000 con.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Nghệ An xảy ra 53 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 12 huyện, thành, thị, lũy kế số lợn chết, tiêu hủy hơn 2.000 con, với tổng trọng lượng hơn 98 tấn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh này diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng tại nhiều địa phương. Hiện có 77 ổ dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của 12 huyện, thành phố chưa qua 21 ngày.

Hãi hùng xác lợn trôi lềnh bềnh trên kênh giữa tâm dịch tả lợn châu PhiHãi hùng xác lợn trôi lềnh bềnh trên kênh giữa tâm dịch tả lợn châu Phi

SKĐS - Cảnh tượng không thể nào tin nổi khi giữa mùa dịch tả lợn châu Phi, xác lợn lại bị vứt trôi nổi trên kênh Đào, đoạn qua huyện Yên Thành (Nghệ An), khiến môi trường xung quanh bốc mùi hôi thối khủng khiếp.


Hoàng Trinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn