Găm hàng thổi giá thịt lợn, coi chừng “gậy ông đập lưng ông”!

24-12-2019 07:00 | Xã hội

SKĐS - Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đưa ra cảnh báo những hậu quả mà người nuôi hay các công ty chăn nuôi phải đối mặt nếu có ý định găm hàng, thổi giá lợn lên cao.

Tái đàn phải đảm bảo an toàn sinh học

Theo số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương, từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, đặc biệt là từ cuối tháng 10 đến nay, giá thịt lợn tăng rất mạnh (tăng khoảng 60 - 80% so với tháng 9 và tăng 60 - 95% so với đầu năm 2019). Điều này không chỉ khiến cho người tiêu dùng lo lắng mà ngay cả người kinh doanh thịt heo cũng rơi vào cảnh đứng ngồi không yên.

Việc tăng giá là do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính, đầu tiên phải đề cập đến là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi xâm nhập Việt Nam từ đầu năm 2019, sau đó lan nhanh trên phạm vi cả nước. Số lượng lớn lợn bị nhiễm bệnh và buộc phải tiêu hủy cùng với việc không thể tái đàn do dịch chưa được khống chế, chưa có vắc-xin chống dịch đã tác động lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường trong nước (đặc biệt cho giai đoạn từ cuối tháng 9 đến nay)...

Một nguyên nhân nữa là nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp cuối năm tăng, trong khi đó, một bộ phận người chăn nuôi và nhà sản xuất giữ hàng lại chưa bán chờ giá tăng cao hơn.

Trước tình hình này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.

Từ cuối tháng 10 đến nay, giá thịt lợn tăng rất mạnh.

Từ cuối tháng 10 đến nay, giá thịt lợn tăng rất mạnh.

Để đối mặt với nhu cầu thực phẩm sắp tăng cao vào cuối năm, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã đưa ra 3 giải pháp: đầu tiên là tăng cường sản xuất, tăng sản lượng, không chỉ về lợn mà còn là nhiều nguồn thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản hay gia súc. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau khi dịch giảm xuống mức có thể kiểm soát được thì công tác tái đàn đang được đẩy mạnh, tín hiệu đáng mừng là tái đàn ở công ty lớn hay trang trại quy mô gia đình đều đảm bảo rất nghiêm ngặt quá trình đảm bảo an toàn sinh học.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, ngăn chặn tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc. Công tác này vừa có thể ổn định thị trường trong nước, vừa ngăn chặn được nguy cơ lây lan dịch tả. Cuối cùng, quan trọng nhất, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh công tác thương mại cần được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng trục lợi, găm hàng.

Theo Bộ trưởng, nếu găm hàng, người chịu hậu quả trước tiên là người nuôi vì khi quá lứa thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm. Thứ hai, thời tiết cuối đông đầu xuân cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh và cuối cùng nếu khi thị trường quay lưng, không dùng thịt lợn nữa do giá cao thì chắc chắn sẽ lỗ.

Bộ trưởng cho rằng, các công ty chăn nuôi lớn, giữ được nhiều lợn cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không được để giá tăng quá cao vì nếu không sẽ “gậy ông đập lưng ông”, người tiêu dùng quay lưng, nguồn hàng nhập tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà.

Xử lý nghiêm việc đầu cơ, ép giá

Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn những tháng cuối năm 2019, Bộ Công Thương đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành Công Thương và các địa phương tăng cường công tác bình ổn giá và mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác, đặc biệt trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2020. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương tổ chức các đoàn công tác để bảo đảm cân đối cung cầu; tổ chức nhiều hội nghị kết nối để đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối.

Để kiểm soát thị trường thịt lợn, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương đã triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch.

Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, Bộ Công Thương đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, đưa ra các giải pháp đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường thịt lợn.

Theo đó, ngoài huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác (Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong 45 ngày trước, trong và sau Tết), các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ dân, trang trại chăn nuôi không găm hàng; tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bất hợp pháp như đầu cơ, ép giá, tung tin thất thiệt... gây mất ổn định thị trường.


Lê Tấn
Ý kiến của bạn