Vì sao mưa dông liên tiếp kéo dài suốt tháng 5 ở miền Bắc?

25-05-2024 08:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Thời tiết tháng 5 năm nay gần giống với những ngày đầu Hè năm 2022. Các đợt mưa được cho là một trong những nguyên nhân khiến thời tiết Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ duy trì được trạng thái mát mẻ trong nhiều ngày.

Áp thấp nhiệt đới ít có khả năng vào Biển Đông nhưng gây mưa dông mạnh cho đất liềnÁp thấp nhiệt đới ít có khả năng vào Biển Đông nhưng gây mưa dông mạnh cho đất liền

SKĐS - Áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Thái Bình Dương ít có khả năng đi vào Biển Đông nhưng có thể khiến gió mùa Tây Nam trên khu vực Nam bộ hoạt động mạnh lên, gây mưa nhiều hơn và trên diện rộng.

Thời tiết mát mẻ do không khí lạnh liên tiếp

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia , tháng 5, nắng nóng còn duy trì ở Trung và Nam Trung Bộ trong ngày 1-2/5. Ngày 3/5, nắng nóng thu hẹp chỉ xảy ra cục bộ. Trong khi đó, ngày 1-13/5, Bắc Bộ liên tục mưa dông diện rộng, có ngày mưa vừa, mưa to. Ngày 4, 7 và 11/5 mưa gián đoạn. Nửa đầu tháng, tổng lượng mưa ở khu vực này cao hơn 100-200%, một số nơi cao hơn 200% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ngày 2-4/5, 6-7/5 và 10-13/5, mưa dông mở rộng xuống khu vực Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Tây Nguyên từ 2-5/5 mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Nam Bộ mưa rào và dông rải rác vào các ngày 4-5/5, 7-9/5, 11/5 và 13/5.

Vì sao mưa dông liên tiếp kéo dài suốt tháng 5 ở miền Bắc?- Ảnh 2.

Miền Bắc duy trì nhiều ngày mát mẻ trong tháng 5 do đón không khí lạnh liên tiếp.

Từ nay đến hết tháng 5, nắng nóng có cường độ giảm trên phạm vi toàn quốc. Mưa dông ở miền Bắc vẫn tiếp diễn, trong đó từ đêm 27-31/5, khu vực này cục bộ mưa to đến rất to. Như vậy miền Bắc có khả năng trải qua tháng 5 khá dịu mát với số ngày mưa dông nhiều, nền nhiệt thấp cao nhất không quá 32 độ C, thời tiết dễ chịu, mát mẻ như cuối Xuân. Về đêm, nhiệt độ thấp nhất có nơi giảm xuống chỉ 23 độ C.

 PGS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng thuỷ văn và hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, những đợt mưa trong thời gian qua là do sự kết hợp của nhiều hình thế thời tiết, trong đó chủ yếu là sự xâm nhập của các đợt không khí lạnh từ phía Bắc, hoạt động của dải mây front Meiyu ở phía Bắc và dải hội tụ nhiệt đới đang trong quá trình đi lên phía Bắc ở khu vực miền Trung.

Thời tiết tháng 5 năm nay gần giống với những ngày đầu Hè năm 2022. Các đợt mưa được cho là một trong những nguyên nhân khiến thời tiết Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ duy trì được trạng thái mát mẻ trong nhiều ngày. Hiện tại đang là giai đoạn chuyển mùa, vẫn có các sóng lạnh tác động, gây mưa nên trời mát mẻ.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tại cho biết, sự bất thường của thời tiết đầu năm 2024 ở Việt Nam là do ảnh hưởng bởi giai đoạn chuyển đổi từ pha nóng El Nino sang pha ENSO (pha trung tính có khí hậu ôn hòa) và sắp tới sẽ chuyển sang pha lạnh La Nina.

Như vậy, chỉ trong 1 năm, chúng ta phải trải qua 3 pha của thời tiết gây ra sự biến động bất thường. Điển hình của chuyển pha trong giai đoạn giao mùa là đang ngày nóng lại bất ngờ xảy ra mưa phùn, ẩm ở miền Bắc, trong khi miền Nam thì đang ghi nhận tháng 2-3 và tháng 4 nắng nóng hơn so với những năm trước, trung bình nhiệt độ cao hơn so với trung bình cùng thời kỳ.

Chu kỳ lặp lại của La Nina và El Nino ở mấy thập kỷ trước thường 7-8 năm, có khi 10 năm và ít cực đoan. Nhưng giai đoạn gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu làm cho các pha của El Nino và La Nina ngắn hơn. Giai đoạn cuối năm 2020 đến giữa năm 2023 là giai đoạn La Nina thịnh hành. Dự báo, El Nino sẽ chấm dứt vào tháng 5 năm nay sau đó chuyển sang pha trung tính từ tháng 6 đến tháng 7.

Đến tháng 8/2024, La Nina được dự báo sẽ quay trở lại. Như vậy việc chuyển pha rất thường xuyên và không có giai đoạn trung tính, hoặc có trung tính nhưng chỉ trong một quãng ngắn. Hiện tượng nóng lên của toàn cầu làm cho quy luật thời tiết bị xáo trộn, gây ra nhiều nắng nóng cực đoan hơn và mưa thất thường hơn. Sự thay đổi này có sự tác động rõ ràng của con người, chủ yếu nằm ở quá trình phát thải khí nhà kính làm Trái đất nóng lên, tác động đến quy luật của thời tiết. TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định thiên tai trong năm 2024 sẽ rất cực đoan.

"Tôi nhìn vào các kịch bản dự báo xu hướng thì thấy lượng mưa cao hơn so với trung bình rất nhiều và không loại trừ khả năng sẽ có lụt lớn và mưa sau hoàn lưu bão. Năm nay sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực biển Đông và đất liền của Việt Nam", TS Nguyễn Ngọc Huy nhận định.

Khi nào nắng nóng gay gắt gia tăng ở miền Bắc?

Bà Trần Thị Chúc, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối tháng 6, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ cao hơn từ 5-15%, Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 20-40%, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm; các khu vực còn lại phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Dự báo từ nay đến hết tháng 5, nắng nóng có cường độ giảm trên phạm vi toàn quốc. Sang tháng 6/2024, nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng gia tăng trở lại tại Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trong thời kỳ dự báo, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa. Tại phía Nam, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh dần nên mưa có khả năng gia tăng hơn ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Khô hạn. Tình trạng khô hạn ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ vẫn tiếp diễn; khô hạn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có xu hướng giảm dần.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong 2 năm 2023 và 2024, Việt Nam đối diện với thời tiết nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt.

Năm 2023, cả nước có 20 đợt nắng nóng (nhiều nhất tính từ năm 2017, nhiều hơn 5 đợt so với trung bình nhiều năm). Mực nước nhiều hồ chứa thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ cuối tháng 5.2023 đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Năm 2024, nắng nóng vẫn diễn ra trên cả nước ngay từ đầu năm. Số đợt nắng nóng có khả năng nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Theo dự báo, nắng nóng duy trì khu vực phía Bắc đến tháng 7, trong đó khu vực tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế là từ tháng 4 đến tháng 8, cao điểm tháng 6, 7.

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa sẽ có nắng nóng từ tháng 5 đến 8, cao điểm là tháng 7. Riêng Nam Bộ và Tây Nguyên sắp kết thúc mùa nắng nóng nhưng lưu ý thời tiết nguy hiểm như dông lốc, sét, vòi rồng trên biển.

El Nino suy yếu dần từ nay đến khoảng tháng 6.2024, sau đó chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 80-85%. Từ khoảng tháng 7-9.2024, La Nina sẽ bắt đầu với xác suất từ 60-70% tức là mưa nhiều, bão nhiều, khả năng tập trung vào nửa cuối mùa bão. Ước lượng sẽ có 10 đến 11 cơn bão, trong đó 5 đến 6 cơn bão sẽ đổ bộ đất liền nước ta.

"Mưa lớn có khả năng xuất hiện nhiều trong các tháng cuối năm tại khu vực Trung Bộ trong các tháng chính của mùa mưa từ tháng 9 - 11/2024 nên các địa phương cần lưu ý" – ông Lâm cho hay.

Miền Bắc oi nóng trước khi đón mưa dông vào chiều tối nayMiền Bắc oi nóng trước khi đón mưa dông vào chiều tối nay

SKĐS - Ngày 23/5, miền Bắc nắng ráo ban ngày và có nơi oi nóng. Từ chiều tối, mưa dông nhiều khả năng trở lại, cục bộ vùng núi có nơi mưa lớn. Tình trạng mưa dông khả năng kéo dài ở miền Bắc trong các ngày 24-25/5.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin thời tiết mới nhất hôm nay ngày 24/5.


Tô Hội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn