Ukraine sử dụng vũ khí 'Lego sống' đối phó Nga

06-07-2025 16:15 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong cuộc xung đột với Nga, Ukraine đang gây chú ý khi biến robot mặt đất thành những "bộ Lego sống", có thể lắp ghép linh hoạt cho nhiều nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường.

Từ vận chuyển thương binh, chở đạn đến biến thành vũ khí cảm tử, các robot này đang mở ra một hướng đi mới trong chiến sự hiện đại.

Ukraine sử dụng vũ khí 'Lego sống' đối phó Nga- Ảnh 1.

Binh lính Ukraine điều khiển robot. (Nguồn: Getty Images)

Oleksandr Yabchanka – người phụ trách đơn vị robot của Tiểu đoàn Da Vinci Wolves của Ukraine cho biết, quân đội không cần sở hữu hàng loạt loại robot khác nhau mà chỉ cần vài nền tảng cơ bản, có thể tùy biến theo từng nhiệm vụ.

"Nếu cần sơ tán một thương binh, chúng tôi gắn một khoang cứng vào. Nếu cần phá hủy một vị trí của đối phương, chúng tôi gắn thuốc nổ và biến nó thành một robot cảm tử", ông nói. Theo Yabchanka, chính khả năng tự tay lắp ráp, hoán đổi và điều chỉnh cấu hình robot ngay tại chiến trường đã giúp binh sĩ Ukraine phản ứng nhanh với những thay đổi liên tục trong chiến sự.

Cách tiếp cận này không chỉ giúp Ukraine tiết kiệm tài nguyên mà còn tăng cường hiệu quả chiến đấu. Những robot mặt đất được ví như "đồ chơi Lego thời chiến", nơi mỗi binh sĩ có thể trở thành một kỹ sư, một nhà thiết kế và cả một binh sĩ điều khiển vũ khí.

Trong số các nền tảng nổi bật, robot D-21 do Tập đoàn FRDM của Ukraine phát triển đang cho thấy sự linh hoạt vượt trội. D-21 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ: vận chuyển đạn dược, tiếp tế, sơ tán người bị thương, thậm chí làm bệ gắn vũ khí tấn công.

CEO Vadym Yunyk cho biết, chính khả năng thích ứng này là ưu thế then chốt giúp các đơn vị chiến đấu có thể nhanh chóng tích hợp robot vào chiến thuật riêng. Để đáp ứng nhu cầu thực tế tại tiền tuyến, FRDM đã phát triển phiên bản nâng cấp D-21-12R, có thể mang theo mô-đun chiến đấu, bắn trong khi di chuyển và sắp tới sẽ được trang bị thêm súng phóng lựu.

"Chúng tôi không chỉ cung cấp một sản phẩm, mà là một công cụ có thể tùy chỉnh theo yêu cầu thực tế tại tiền tuyến. Điều này mở ra khả năng ứng dụng rộng lớn hơn nhiều so với các thiết kế robot truyền thống", Yunyk khẳng định.

Ukraine sử dụng vũ khí 'Lego sống' đối phó Nga- Ảnh 2.

Robot D-21-11 được trang bị súng gắn trên thân. (Nguồn: Mykhailo Fedorov)

Không chỉ có các công ty Ukraine vào cuộc, nhiều đối tác phương Tây cũng đã tham gia vào cuộc đua công nghệ chiến trường. Milrem Robotics – một công ty quốc phòng đến từ Estonia, đã triển khai nền tảng robot THeMIS tại Ukraine.

THeMIS được thiết kế với cấu trúc mô-đun, có thể gắn các thiết bị trinh sát, hệ thống vũ khí, hoặc làm phương tiện sơ tán binh lính. Theo Kuldar Väärsi, giám đốc điều hành công ty Milrem Robotics, robot của họ đang được quân đội Ukraine sử dụng theo những cách mà chính họ cũng không ngờ tới. "Quân đội Ukraine cực kỳ sáng tạo, họ luôn tìm ra những cách đơn giản nhưng hiệu quả để khai thác tối đa thiết bị", ông chia sẻ.

Dù robot mặt đất không phải là công nghệ mới trong chiến sự, nhưng quy mô sử dụng, tốc độ phát triển và tính đa năng của chúng tại Ukraine đã khiến giới quan sát phải chú ý. Trong bối cảnh nguồn lực con người của Ukraine thua kém đáng kể so với Nga, robot trở thành công cụ "kéo giãn" sức người, giảm thương vong, đồng thời nâng cao hiệu quả tác chiến.

Điều đáng chú ý là vòng đời công nghệ trong cuộc chiến này cực kỳ ngắn. Những gì còn hiệu quả vào tháng trước có thể đã lỗi thời vào hôm nay. Chính vì vậy, việc phản hồi, cập nhật và điều chỉnh thiết bị gần như phải diễn ra theo thời gian thực. Các binh sĩ Ukraine thường xuyên gọi video hoặc nhắn tin trực tiếp cho các kỹ sư và nhà sản xuất để trao đổi ý tưởng, góp ý và nhận bản cập nhật phần mềm mới.
"Nếu một công ty mất hai năm để phát triển sản phẩm, rất có thể khi hoàn thành, nó đã không còn phù hợp với thực tế chiến trường", ông Yunyk cảnh báo.

Ukraine sử dụng vũ khí 'Lego sống' đối phó Nga- Ảnh 3.Nga ra mắt robot phá bom mìn bằng tia laser

SKĐS - Ngày 24/6, Tập đoàn quốc phòng Nga Rostec giới thiệu nguyên mẫu robot phá bom mìn điều khiển từ xa, sử dụng tia laser mạnh để xử lý vật liệu nổ nguy hiểm mà không cần con người tiếp cận.


Xuân Minh
(theo Business Insider)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn