Những ý kiến trái chiều về vai trò của việc đọc sách
Mấy ngày qua, cộng đồng mạng xôn xao về phát ngôn của hoa hậu Kỳ Duyên về việc chưa từng đọc hết một cuốn sách nào.
Cụ thể, tại cuộc thi Miss Universe Vietnam, hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong vai trò một thí sinh đã gây sốc với phát ngôn về đọc sách. Trước câu hỏi "việc đọc sách thay đổi cuộc đời mình như thế nào?", hoa hậu Kỳ Duyên nói: "Có một sự thật là đến tận bây giờ, tôi chưa đọc hết một cuốn sách nào. Bởi vì tôi là một người thực tế, tôi thích trau dồi kiến thức của mình thông qua hình ảnh và âm thanh".
Cho dù sau đó hoa hậu Kỳ Duyên đã thanh minh về việc mình nói chưa trọn vẹn ý rằng trước đây có suy nghĩ như vậy cho đến khi gặp được cuốn sách đã thay đổi hoàn toàn tư duy của cô, tuy nhiên câu trả lời này đã dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội về vai trò của việc đọc sách.
Nhiều ý kiến chỉ trích rằng một người nổi tiếng như Kỳ Duyên nên là tấm gương về văn hóa đọc, một người có tầm ảnh hưởng lại phát ngôn như vậy về việc đọc sách là không nên... Tuy nhiên, có người lại đồng cảm vì không phải ai bây giờ cũng có thể đọc hết một cuốn sách. Một số bình luận trên mạng của người trẻ nói rằng "đó là chuyện bình thường", "mình cũng chưa bao giờ đọc hết một cuốn sách, trừ sách khoa học trong nhà trường", "mình cũng không đọc sách vì không kiên trì"...
Thực tế, học sinh ngày nay rất ít đọc sách, nhiều em còn thờ ơ với sách. Tại nhiều thư viện, hiệu sách cũng luôn vắng bóng người. Nhiều bạn trẻ đến cũng chỉ để check-in rồi về, cầm một vài cuốn sách có bìa đẹp lên chụp ảnh rồi lại đặt xuống.
Mỗi người một cách học khác nhau
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về việc đọc sách của giới trẻ hiện nay, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - Giám đốc quốc gia của phong trào trẻ em thế giới Design for Change cho rằng, có 2 lý do để đọc sách.
"Một là đọc sách như một sở thích, một thú vui và hai là đọc sách do yêu cầu phải nạp thông tin để phục vụ cho việc học/việc làm. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ nếu để tự nhiên thì rất khó để đọc sách như một sở thích. Mà cái này cũng khó trách các em, vì thế hệ trước không có nhiều thứ để giải trí, cũng không có mấy con đường để tiếp cận thông tin.
Còn bây giờ thì mở điện thoại lên là cả một thế giới sinh động hơn vạn lần ập vào mặt, các em sao còn muốn ngó đến cuốn sách nữa? Chưa kể là rất nhiều nghiên cứu mới nhất về não bộ của con người cho thấy rằng khả năng tập trung của chúng ta đã ngắn đi đáng kể và đọc sâu bây giờ là một thách thức.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là cứ để mặc vậy mà tôi cho rằng hãy để giới trẻ ngày nay có thói quen đọc và kỹ năng đọc do yêu cầu phải nạp thông tin để phục vụ cho việc học/việc làm. Tức là cần những chương trình đọc được thiết kế một cách có cụ thể, chiến lược trong nhà trường, trong công sở…, nơi việc đọc được giới thiệu một cách có chủ đích, phục vụ trực tiếp đến việc giải đáp những câu hỏi, những vấn đề ta đang trăn trở, đang gặp phải.
Ví dụ, con tôi bắt đầu hứng thú với việc đọc các sách về lịch sử loài người là nhờ ở trường, các thầy cô dạy một dự án với câu hỏi đặt ra là: "Ngày xưa khi chưa có ngôn ngữ thì con người giao tiếp với nhau làm sao?". Hay em của tôi kể rằng nhờ sếp mỗi quý chọn một cuốn sách quản trị và bắt cả công ty phải đọc và viết bài thu hoạch mà tự nhiên kỹ năng đọc tốt lên hẳn. "Cuốn đầu tiên bị bắt đọc thì rất chán và rất khó nhưng tự nhiên cũng thấy mình quen và "tăng đô" đọc dần sau mỗi cuốn. Rồi đến lúc sếp không ép mình cũng tự tìm sách để đọc".
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, kỹ năng đọc cũng là một thứ không tự nhiên có với nhiều người mà phải bị/ được rèn như vậy. "Vì tự nhiên sinh ra mỗi người một cách học khác nhau. Có người tiếp thu thông tin hiệu quả qua chữ viết, vì thế đọc với họ rất dễ dàng. Nhưng có người lại tiếp thu qua hình ảnh. Có người lại học tốt nhất từ trải nghiệm.
Thế nên chúng ta đừng tỏ ra "thượng đẳng" hơn người khác bởi vì mình đọc nhiều. Vì chưa chắc như thế là chúng ta thông minh hay tài giỏi hơn người khác. Nó chỉ cho thấy bạn may mắn được sinh ra trong thời đại mà tri thức được trao truyền đi chủ yếu bằng ngôn ngữ đọc và qua sách vở.
Nhưng với xu hướng truyền thông đa ngôn ngữ, đa phương tiện đang bùng nổ, đó sẽ là cơ hội cho nhiều loại trí thông minh khác lên ngôi. Kỹ năng đọc viết sẽ không còn là sức mạnh thống trị trong lãnh địa tri thức".
"Dù có nhiều cách tiếp cận tri thức chúng ta vẫn phải rèn đọc"
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, dù thực tế có nhiều cách tiếp cận tri thức chúng ta vẫn phải rèn đọc. "Vì những tri thức sâu sắc nhất, nền tảng nhất của loài người đến nay vẫn ở hình thức văn bản đọc. Bạn có thể học được những điều hữu ích khi lướt các nền tảng mạng xã hội và nghe ai đó chia sẻ lại không? Có! Nhưng không ai đảm bảo được cho bạn thứ mà bạn nghe được là chuẩn xác nếu bạn không có kỹ năng tiếp cận văn bản gốc. Hoặc khi bạn cần hiểu sâu hơn những thứ thú vị đó, rồi cũng phải quay về với việc đọc".
Với phát ngôn của hoa hậu Kỳ Duyên, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương nêu quan điểm: "Tôi không chê trách điều gì về vụ không đọc sách vì thực trạng hiện nay như vậy. Công việc em đang làm cũng đâu có yêu cầu phải đọc sách mới làm được việc. Nhưng nếu nói "tôi là người thực tế" là có vấn đề, vì nó ngụ ý rằng những thứ trong sách không giúp ích gì cho cuộc đời cả. Buồn thay, nhiều bạn trẻ khác cũng đang tin như vậy. Có lẽ, cách giáo dục chỉ chăm chăm "đổ cho đầy kiến thức trong sách vở" mà không quan tâm gì đến tính liên hệ, tính kết nối của nó với thực tế cuộc sống đã góp phần dẫn đến góc nhìn này chăng?".