Thanh Lam: Phá cách hay phá nhạc?
Câu chuyện Thanh Lam hát "Thiên thai" của cố nhạc sĩ Văn Cao trong chương trình "Đàn chim Việt" nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông đã đón nhận luồng phản ứng không mong muốn. Thay vì dành tâm điểm cho chương trình với công sức của rất nhiều người, công chúng dường như đổ dồn vào sự thể hiện của Diva Thanh Lam.
Những phản đối cho rằng nữ ca sĩ đã "phá" nhạc Văn Cao khi thể hiện không đúng tinh thần của nhạc phẩm nổi tiếng này. Nếu như trước đây, ca sĩ Ánh Tuyết đã rất thành công với bản "Thiên thai" du dương, mộng mị, liêu trai thì màn thể hiện của Thanh Lam bị cho là làm hỏng tinh thần vốn có của bài hát.
Lý giải cho câu chuyện này, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng: "Nhạc sĩ Văn Cao viết "Thiên thai" theo tinh thần cổ điển, trong khi Thanh Lam hát theo phong cách hiện đại thì với khán giả nhiều tuổi vốn đã quen với tinh thần cổ điển sẽ rất khó chấp nhận. Theo tôi, trong chương trình "Đàn chim Việt", Thanh Lam đã hát hết sức rồi! Việc chê cô ấy quá là không nên".
Câu chuyện này một lần nữa khơi lại tranh luận muôn thủa của âm nhạc: cũ và mới; tôn trọng và phá cách.
Ở góc độ này, Thanh Lam có lẽ là trường hợp gây nhiều tranh cãi nhất khi cá tính âm nhạc của chị luôn luôn muốn tìm cái mới, cái khác biệt với người khác.
Nhạc Trịnh theo cảm nhận của khán giả là sự phá cách thất bại của Thanh Lam. Các ý kiến chê trách chủ yếu cho rằng cách thể hiện theo lối "lên đồng" của cô hoàn toàn không phù hợp với dòng nhạc cần sự thiền tịnh, ưu tư, chiêm nghiệm như nhạc Trịnh. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng âm nhạc nghệ thuật phải sáng tạo và Thanh Lam làm tốt vai trò của người nghệ sĩ khi kiến tạo cái mới, không trùng lặp với bất cứ ca sĩ nào khác.
Nhưng bất chấp những tranh cãi này, hàng năm, chương trình kỷ niệm về Trịnh Công Sơn do gia đình cố nhạc sĩ tổ chức, cái tên Thanh Lam luôn xuất hiện trọng list ca sĩ thể hiện.
Tùng Dương cũng là một trường hợp đặc biệt khi lựa chọn của anh có nhiều nét tương đồng với đàn chị Thanh Lam.
Nam ca sĩ từng vấp phải ý kiến trái chiều khi hát Nơi đảo xa theo phong cách Jazz Bue trong chương trình Giai điệu tự hào của VTV. Sự làm mới gây nên cuộc tranh cãi "nảy lửa" xung quanh ca khúc mà ca sỹ Tùng Dương biểu diễn. Trước đó, anh nhận được sự yêu thích khi hát Nơi đảo xa theo phong cách Acoustic, nhẹ nhàng thư thái, nhưng không kém phần sâu lắng.
Ngay trong chương trình Giai điệu tự hào, nhạc sỹ Giáng Son phát biểu: "Tôi rất xin lỗi vì phải nói ra điều này, cho dù là ca khúc được hát với hai phiên bản khác nhau, nhưng tôi thích bài hát Nơi đảo xa theo phong cách nhạc Acoustic là vì "lời và nhạc cần đi với nhau".
Hoàng Thùy Linh thành công nhờ những phá cách
Một ví dụ điển hình nữa là câu chuyện của Hoàng Thùy Linh. Trong MV Tứ phủ, Hoàng Thùy Linh sử dụng phần âm thanh chủ yếu đàn bầu và kèn đám ma, thay vì những nhạc cụ quen thuộc của nghi thức hát chầu văn như tiêu cảnh, thanh la, mõ. MV lấy cảm hứng từ đạo Mẫu và thần tích về Cô Bơ Thoải, một vị thánh nổi tiếng trong Tứ phủ.
Những ý kiến phản đối cho rằng đạo Mẫu vốn linh thiêng, đưa vào âm nhạc giải trí là "báng bổ"; "làm hình ảnh vị Thánh Cô trong đạo Mẫu mà dân gian tôn kính trở nên phàm tục"...
Ở khía cạnh khác, sự phá cách của Hoàng Thùy Linh không chỉ đem đến sự mới mẻ cho âm nhạc truyền thống mà còn góp phần đưa tín ngưỡng văn hóa đạo Mẫu Tứ Phủ đến gần hơn với mọi người thông qua âm nhạc.
Hà Lê phá cách nhạc Trịnh: Giới chuyên môn khen, còn khán giả "không thể chịu đựng được"
Trở lại câu chuyện "phá" nhạc Văn Cao của Thanh Lam. Nhiều ý kiến cho rằng nhạc Văn Cao chỉ cần hát đúng tinh thần vốn có là đã hay rồi. Nhạc Trịnh có thể sáng tạo nhưng nhạc Văn Cao thì không.
Nhưng trên thực tế, nhạc Trịnh vốn được dành cho số đông nhưng không ít người coi như "ngôi đền thiêng".
Hà Lê, người có nhiều cách tân với nhạc Trịnh, thổi được tinh thần đương đại của thế hệ trẻ với cách thể hiện văn minh, sáng tạo.
Trong một chương trình, Hà Lê biểu diễn ca khúc "Ở trọ" của Trịnh Công Sơn.
Trên nền nhạc jazz do Tuấn Nam dẫn dắt với organ, ca khúc nhạc Trịnh quen thuộc khoác lớp áo mới. Hà Lê biểu diễn nhạc phẩm bằng phong cách sôi động, vui tươi cùng nhiều động tác đậm chất hip hop. Ở một số đoạn, anh xử lý bằng lối gằn giọng, luyến láy mang hơi hướng R&B. Giữa bài hát, ca sĩ ngẫu hứng với một đoạn rap do anh tự viết lời.
Và hãy xem một bộ phận công chúng nói gì về anh. "Tôi thuộc lớp người già yêu tiết tấu nhẹ nhàng thanh thoát của nhạc Trịnh Công Sơn từ lúc nhạc sĩ còn sống. Thật tình tôi không thể chịu đựng được sự phá cách này"; "Mấy bạn trẻ yêu nhạc jazz sao không sáng tác ca khúc mới để biểu diễn cho hợp thời mà lôi kéo nhạc Trịnh vào đây làm chi?"; "Không phải cái gì cũng có thể đem ra phá cách, đặc biệt đối với nhạc "TRỊNH" (bình luận nhấn mạnh bằng cách viết hoa từ Trịnh-pv); Nghe thì cũng có chút ngẫu hứng, nhưng chắc chắn nó sẽ phai nhạt trong tích tắc và không ai còn nhắc tên anh nữa!"; "Chẳng ra làm sao. Chán phèo".
Thậm chí, có người còn làm cả thơ: "Trăm năm Kiều vẫn là Kiều/Bẻ cong nhạc Trịnh là điều không nên".
Mang những nỗ lực làm mới này của các nghệ sĩ hỏi chính người sở hữu gia tài âm nhạc Trịnh Công Sơn, chúng tôi ghi nhận được những phản ứng khá bất ngờ.
Ông Nguyễn Trung Trực – chồng ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ: "Khi chúng tôi được Hà Lê đề nghị xin được làm mới nhạc Trịnh với Rap. Phản ứng đầu tiên là "ồ không". Nhưng khi nghe Hà Lê hát thử cho chúng tôi nghe thì cả tôi và Trịnh Vĩnh Trinh rất thích. Nếu còn sống tôi nghĩ anh Trịnh Công Sơn cũng sẽ ủng hộ.
Ngoài Hà Lê, một vài ca sĩ trẻ xin làm mới nhưng nghe xong gia đình lịch sự từ chối. Từ chối nghĩa là không ủng hộ. Dũng cảm hơn, có người còn xin làm mới bằng cách… sửa lời".
Hỏi thẳng về nhận xét Hà Lê phá cách có thành công không? Ông Nguyễn Trung Trực nói: "Cách làm mới của Hà Lê theo tôi là thành công và gia đình rất ủng hộ. Phá cách của Hà Lê rất công phu. Phối khí rất đẹp.
Gia đình rất mong có sự chuyển giao nhạc Trịnh sang thế hệ trẻ, bằng phong cách riêng của các em nên luôn cố gắng bỏ đi những mặc định trong đầu rằng nhạc Trịnh phải là như thế này thế kia mới đúng. Nghĩa là không bảo thủ với cái cũ".
"Nếu diễn nhạc Trịnh ở Huế mà mời Thanh Lam sẽ bị phản ứng"
Lấy dẫn chứng cho câu chuyện cái mới khó được chấp nhận ngay từ đầu, ông Nguyễn Trung Trực chia sẻ câu chuyện về nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.
"Như khi Trần Mạnh Tuấn thể hiện nhạc Trịnh bằng saxophone đã có rất nhiều phản ứng, vì là cách thể hiện không có lời, trong khi nhạc Trịnh được yêu thích là còn do phần lời đầy tính triết lý. Nhưng bây giờ thì mọi người thấy đấy, Trần Mạnh Tuấn đã đóng góp một hình thức thưởng thức mới với nhạc Trịnh, được coi là một phần thú vị trong trường phái nhạc Trịnh. Cho nên, cái mới cũng cần quá trình để đi vào lòng người, vì âm nhạc chính là cảm xúc chứ không có đúng sai".
Dù vậy, vẫn có những phá cách mà có đi vài chục năm nữa, theo em rể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng khó mà được chấp nhận. "Để làm mới, phải hiểu tinh thần của bài hát. Có những ca sĩ họ hát rất hay nhưng không hiểu tinh thần của bài hát thì cũng không thành công", ông Trực nói.
Khi được hỏi: "Hà Lê được gia đình và giới chuyên môn khen ngợi nhưng số đông công chúng lại phản đối thì có nên khuyến khích?", ông Nguyễn Trung Trực lý giải:
"Cần phải hiểu rằng nhạc Trịnh chạm đến mọi đối tượng, từ nông dân đến trí thức nên khi nghe cũng hình thành những phân khúc khác nhau. Có những người họ không bao giờ thừa nhận ai hát nhạc Trịnh ngoài Khánh Ly.
Hay cũng không thích Thanh Lam hát, dù cô ấy hát nhạc người khác rất thành công. Người trí thức đương nhiên không thích cách thể hiện kiểu bình dân và ngược lại, điều đó không thể trách được.
Vì thế, khi tổ chức chương trình Trịnh Công Sơn, chúng tôi luôn cố gắng vì khán giả chứ không phải tổ chức cho gia đình. Cũng chọn nhiều ca sĩ đáp ứng được nhiều đối tượng khán giả, thậm chí phải tính đến yếu tố vùng miền. Ví dụ, tổ chức ở Hà Nội thì sẽ có Thanh Lam, nhưng nếu vào Huế thì họ sẽ phản ứng rất ghê. Sài Gòn thì vẫn được. Rồi cân bằng cả yếu tố thế hệ. Khán giả lớn tuổi phải có Cẩm Vân, trẻ thì có Đức Tuấn… Nói chung, phải hiểu được đối tượng khán giả là ai thì sẽ cân bằng được giữa cái thích và không thích của khán giả".